♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Lễ Chúa Thăng Thiên (B) (16/5)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Có Chúa cùng hoạt động với các ông

Mc 16, 20
Dẫn vào thánh lễ

Trong Chúa Nhật Phục Sinh, ngang qua hình ảnh ngôi mộ trống, phụng vụ Lời Chúa cho thấy bởi sự sống lại của Đức Giêsu, Ngài đã tạo dựng nên một thế giới mới. Không chỉ lập nên một thế giới mới, Đấng Phục Sinh còn lập nên một dân mới khi Người thổi hơi ban Thánh Thần, để biến đổi các Tông Đồ từ những kẻ nhát đảm ở trong những căn phòng đóng kín cửa, ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Lễ Thăng Thiên hôm nay đánh dấu kết thúc sứ mạng của Chúa Giêsu ở trần gian và khởi đầu sứ mạng của các tông đồ, sứ mạng loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Người. Trong mầu nhiệm thăng thiên, mầu nhiệm “vừa ra đi vừa ở lại”. Chúa Giêsu khai mạc một cách thế hiện diện mới: Người không còn bị giới hạn trong không gian thời gian nữa.
“… có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Chúng ta tin rằng mình sẽ không cô đơn giữa sóng ba đào. Chúa mãi luôn đồng hành trong mọi biến cố của cuộc đời, nếu chúng ta tin Chúa và sẵn sàng lên đường tiếp nối sứ mạng của Chúa ở trần gian.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho cộng đoàn chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển. Là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào nước Chúa, khiến chúng con là những chi thể của Người, nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thưở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (Cv 1,1-11)

Đức Giê-su được cất lên ngay trước mắt các ông.

Khởi đầu sách Công vụ Tông Đồ

 1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu 2 cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là : ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.”

 6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?” 7 Người đáp : “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”

 9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11 và nói : “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”

🌸 Đáp ca Tv 46,2-3.6-7.8-9 (Đ. c.6) 

Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.

2Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi !
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo !
3Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.

Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.

6Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
7Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,
đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta !

Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.

8Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.
9Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.

Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.

🌸 Bài đọc 2 (Ep 1,17-23 )

Thiên Chúa đã đặt Đức Ki-tô ngự bên hữu Người trên trời.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô

 17 Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. 18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, 19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, 20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. 21 Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. 22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh ; 23 mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.

Tung hô Tin Mừng x. Mt 28, 19a. 20b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Mc 16,15-20)

Đức Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.

Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

 15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

 19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Trước khi lên trời, Đức Kitô đã truyền cho các tông đồ đi dạy bảo muôn dân và làm chứng cho Chúa, Ngài cũng đã hứa ở cùng chúng ta luôn mãi. Vậy giờ đây, chúng ta cùng thành tâm cầu nguyện:

  1. “Người là đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Người”. Xin cho Đức Thánh Cha, hàng Giám Mục, Linh mục được những ơn cần thiết, noi gương Chúa Kitô là đầu để hướng dẫn Hội thánh của Ngài bằng tình yêu, và sức mạnh nội tâm cho dân Chúa trong cuộc lữ hành về Trời. Chúng con cầu xin Chúa.
    Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
  2. Hiệp ý với sứ điệp của Đức Thánh Cha trong Ngày Thế Giới Tuyền Thông Xã Hội 9/5/2021, xin cho mọi Đảng phái, và mọi người dân trên thế giới biết dùng các phương tiện truyền thông để nói lên sự thật, giúp nhau xây dựng hiệp nhất, hầu khơi dậy trong lòng khát vọng về Chân-Thiện-Mỹ và một nền hòa bình chân chính. Chúng con cầu xin Chúa.
  3. “Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt”. Xin cho các bạn trẻ Công giáo biết phân biệt giữa tốt và xấu, biết chọn lựa các trang mạng lành mạnh, hữu ích cho đức tin và nhân cách, để vừa làm đẹp cuộc sống, vừa làm phong phú đức tin mà làm chứng cho Tin mừng của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa.
  4. “Đấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”. Xin cho các gia đình công giáo, đặc biệt là cộng đoàn đang tham dự thánh lễ hôm nay, luôn nhiệt thành xây dựng gia đình thành cộng đoàn cầu nguyện, yêu thương, hiệp nhất và quy hướng mọi sự về Chúa, để cảm nếm trước niềm hạnh phúc Nước Trời. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, ngày hôm nay mừng Con Một Chúa lên trời vinh hiển, chúng con thành kính dâng lên Chúa những lễ vật này, cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và ban lại cho chúng con hồng ân cao cả là được phục sinh cùng Đức Kitô và chung hưởng vinh phúc quê trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì Chúa Giê-su, Vua vinh hiển, Ðấng chiến thắng tội lỗi và sự chết, trước sự ngỡ ngàng của các Thiên thần, (hôm nay) lên trời cao thẳm/ làm Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, Ðấng xét xử trần gian và là Chúa muôn loài.
Người lên trời/ không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước.
Vì thế, với niền hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ho chúng con ngay khi còn ở dưới thế, được nếm thử phúc lộc quê trời. Xin cho lòng chúng con luôn hướng về bên Chúa là nơi Đức Kitô, vị Thủ Lãnh của chúng con đang hiển trị. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Học hỏi Lời Chúa

TRỜI CAO BẮT ĐẦU TỪ ĐẤT THẤP

“Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.
Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông” (Mc 16,19-20)

    Lễ Chúa Thăng Thiên diễn tả hai chiều kích đặc biệt: một mặt, hướng chúng ta về thực tại trên trời, là quê hương đích thực của người tín hữu; mặt khác, mời gọi những người môn đệ của Chúa, nhờ Thánh Thần thúc đẩy, biết rao truyền và làm chứng cho đức tin trong mỗi thực tại sống của mình, góp phần cải biến thế giới này theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Cv 1,1-11)

    Biến cố Đức Giêsu về trời trong bài đọc 1 hôm nay có nét tương tự một trình thuật trong Cựu ước, 2V 2,9-15, ở đó, ngôn sứ Êlia được rước lên trời. Có lẽ, tác giả của đoạn Công vụ Tông đồ này đã kết hợp trình thuật về Êlia để trình bày một thực tại cao siêu không thể quãng diễn bằng lời, đó là: sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô và biến cố Người bước vào trong vinh quang Chúa Cha. Vì thế, trình thuật này chính yếu nhấn mạnh khía cạnh thần học: Đức Giêsu là người đầu tiên bước qua bức màn trướng trong Đền Thờ để nối kết con người với Thiên Chúa.

    Cũng như Êlisa năm xưa, các tông đồ và những người tin theo Đức Giêsu cũng ngước nhìn về trời cao chiêm ngưỡng biến cố vinh quang của thầy mình. Cái nhìn của họ diễn tả niềm hy vọng về một sự trở lại tức thì của Đức Kitô để hoàn tất sứ mạng dang dở. Nhưng tiếng nói từ trời đã thức tỉnh các ông: không phải Đức Kitô, mà chính là các ông là những người tiếp nối sứ mạng này, bởi các ông đã trải qua thời gian bốn mươi ngày, là thời gian mà trong ngôn ngữ Do Thái là cần thiết để chuẩn bị cho các môn đệ thực thi một sứ vụ, với việc trao ban Thần khí đi kèm.

    Bởi thế, biến cố thăng thiên của Đức Giêsu diễn tả giai đoạn chuyển giao: đừng đứng đó nhìn về trời cao, nhưng chính từ nơi đất thấp mà các ông phải tiếp tục sứ mạng cứu độ của thầy mình. Đức Giêsu sẽ trở lại, chắc chắn điều đó, nhưng niềm hy vọng này không được trở thành lý do để sao nhãng những vấn nạn của thực tại trần gian, bởi lẽ, phúc cho đầy tớ nào khi chủ trở về, vẫn thấy đầy tớ ấy còn tỉnh thức và đang lao công vất vả cho những người anh chị em mình (x. Lc 12,37).

2. Bài đọc II (Ep 1,17-23)

    Thánh Phaolô trong đoạn trích thư gởi tín hữu Êphêxô đã khẩn khoản nài xin Thiên Chúa ban cho các tín hữu được ơn khôn ngoan. Dĩ nhiên, khôn ngoan ở đây không phải là thứ khôn ngoan trần thế, nhưng là ơn khôn ngoan để nhận biết Thiên Chúa, và để nhận ra đâu là niềm hy vọng và gia nghiệp đích thật của người tín hữu.

    Nếu như bài đọc I mời gọi các tín hữu không được sao nhãng những trách vụ cụ thể của mình trong thực tại trần thế, thì bài đọc II kiện toàn cái nhìn này khi khuyên bảo các tín hữu đừng quên rằng đời sống của họ không được giới hạn nơi chân trời nhỏ hẹp của thế giới này, bởi lẽ, những sinh hoạt và trách vụ mà ta đang có luôn phải được nối liền với thực tại tương lai trên trời, trong niềm hy vọng chắc chắn là chính Đức Kitô sẽ trở lại và hoàn tất mọi sự.

3. Bài Tin Mừng (Mc 16,15-20)

    Đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô cũng bao hàm hai khía cạnh đặc biệt của Lễ Thăng Thiên, đó là mô tả ý nghĩa biến cố Đức Giêsu lên trời và sứ vụ của người môn đệ được trao phó.

    Trình thuật mở đầu bằng khung cảnh Đấng Phục Sinh tỏ mình cho nhóm Mười Một và chỉ thị cho các ông sứ mạng loan báo Tin Mừng “cho mọi loài thụ tạo”. Thuật ngữ này dĩ nhiên ám chỉ cho mỗi người, nhưng còn mở rộng chân trời ơn cứu độ của Thiên Chúa cách phong phú và sung mãn cho toàn thể vũ trụ này. Thánh Phaolô cũng diễn tả điều tương tự khi nói rằng :“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19).

    Bên cạnh đó, Thiên Chúa còn bảo đảm sứ mạng của các tông đồ đi kèm với những dấu lạ (17-18); và những dấu lạ này cũng hiện diện ngay cả những người tin. Qua những dấu lạ này, Thiên Chúa muốn bảo đảm sự hiện diện của Người trong mọi công cuộc và mời gọi tất cả cùng hướng về mầu nhiệm ơn cứu độ.

    Câu 19 như tóm gọn đề tài của lễ hôm nay: Đức Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Thuật ngữ “ngự bên hữu Thiên Chúa” là một diễn tả đậm chất thần học. Hình ảnh này gợi cho ta bối cảnh cung đình vùng trung cận đông cổ thời, khi một thần dân sau khi chứng thực lòng trung thành của mình cách oai hùng thì được triệu về hoàng cung và được ngồi bên hữu Đức Vua. Cách dùng này ta còn thấy thể hiện nơi Thánh vịnh 110,1 trong nghi lễ phong vương :“Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”. Vì thế, do bởi sự trung tín trong thánh ý Chúa Cha, Đức Giêsu cũng được các tác giả Tân ước quảng diễn như được siêu tôn (x. Pl 2,6-11), được cất lên trời (x. Ep 4,8-9), muôn loài được đặt dưới chân Người (x. 1Cr 15,27), và “ngự bên hữu Thiên Chúa” (x. 1Pr 3,18-22; Dt 10,12-14).

    Câu cuối trong đoạn trích Tin Mừng :“Các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” đã chứng thực sự xác tín của các môn đệ đầu tiên khi cho thấy các ông không đơn độc trong sứ vụ của mình, nhưng luôn có Chúa đồng hành, và cùng với họ, Người thực hiện những kỳ công ơn cứu độ cho con người.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Điều này đã khẳng định cho các Kitô hữu về một quê hương đích thật trên trời, đồng thời khai mở niềm hy vọng lớn lao cho người tín hữu. Là Kitô hữu, tôi có luôn xác tín và ý thức về cùng đích tối hậu này? và niềm xác tín đó đã ảnh hưởng gì trên cuộc sống của tôi?

2. Thánh Phaolô đã mong mỏi các tín hữu ở Êphêxô, nhờ thần khí khôn ngoan, biết nhận ra đâu là những giá trị đích thật của người Kitô hữu. Nhìn lại đời mình, đâu là những giá trị tôi đang theo đuổi và ôm ấp; và những gái trị đó có phục vụ cho Nước Trời?

3. “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời?” Thăng thiên và sứ mạng chứng tá của Giáo hội là hai biến cố không thể tách rời nhau; và quê hương trên trời của người tín hữu phải được khởi sự ngay từ đất thấp. Vậy tôi phải khởi sự điều gì nơi chính cuộc sống của tôi? Đâu là sứ mạng mà Đấng Phục Sinh đã trao phó cho riêng tôi?

🌸 Suy Niệm

Mắt Hướng Về Trời, Làm Chứng Cho Chúa Ki-tô

 Phụng Vụ Lời Chúa tuần này mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Chúa Về Trời. Nhờ đó, chúng ta ý thức rằng quê hương đích thực của chúng ta không phải nơi trần thế này, nhưng là nơi cội nguồn của sự sống và tình yêu, nơi hạnh phúc vĩnh hằng. Chúa Giê-su đã mở ra một lối đi về quê hương đích thực, có Thiên Chúa là Cha. Người là cùng đích và là trung tâm điểm của đời sống lữ hành của chúng ta. Chúng ta lữ hành nơi trần gian nhưng mắt chúng ta vẫn luôn hướng về trời cao, hướng về Giê-su, Đấng Trung Gian duy nhất có thể dẫn chúng ta về quê hương đích thực.

 Kinh Thánh nói cho chúng ta biết rằng Chúa Về Trời là để dọn chỗ cho chúng ta (x. Ga 14, 2-3). Người ở đâu thì chúng ta cũng được ở đó với Người. Đó là một lời hứa đầy yêu thương dành cho các môn đệ của Đấng đang vâng theo Thánh ý Chúa Cha để bước vào cuộc khổ nạn thập giá cứu cuộc nhân loại.

 Chúa Về Trời để ban Đấng Bảo Trợ cho chúng ta (x. Ga 16, 7). Đấng Bảo Trợ ấy chính là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Chúa Giê-su (x. Ga 14, 26). Người là Thần Khí sự thật và Người sẽ làm chứng về mọi công trình cứu chuộc của Chúa Giê-su (x. Ga15, 26). Thánh Thần sẽ ở với chúng ta luôn mãi (x. Ga 14, 16). Người sẽ dạy chúng ta mọi điều và sẽ làm cho chúng ta nhớ lại tất cả mọi hoạt động của Chúa Giê-su (x. Ga 14, 26).

 Chúa Về Trời để rồi Người sẽ ở lại với các môn đệ mãi mãi (x. Mt 28, 20). Mặc dù Người không còn ở với các môn đệ về mặt thân xác phàm nhân nữa, nhưng từ nay Người sẽ ở với các môn đệ trong Thần Khí. Mỗi khi các môn đệ ra đi thực thi điều Chúa dạy thì Người sẽ đồng hành với họ. Thánh Marco ghi nhận ở cuối Tin mừng của mình rằng: “Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các ông thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16, 19-20).

 Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Chúa Giê-su Phục Sinh một lần nữa tái khẳng định rằng: Ngài chính là Đấng Ki-tô đã được loan báo trong Kinh Thánh; Ngài đã chịu khổ hình, chịu chết và đã sống lại. Mong ước cuối cùng của Chúa trước khi về trời là các môn đệ trở thành chứng nhân cho Người. Con đường làm nhân chứng cũng là con đường dẫn về trời cao của môn đệ và của mỗi Ki-tô hữu.

 Chúa Giê-su lên trời, kết thúc sứ mạng của Người nơi trần gian. Nhưng lại là lúc khởi đầu sứ mạng của môn đệ, sứ mạng loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa. Chúng ta chớ nên sợ hãi vì trung tâm của sứ mạng loan báo Tin Mừng chính là hoạt động của Chúa Thánh Linh. Cuộc sống làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh có thể gặp phải muôn vàn khó khăn nhưng chúng ta tin chắc một điều rằng chúng ta chẳng bao giờ sống và hoạt động một mình cả. Ngang qua hoạt động của Chúa Thánh Linh, ngang qua sự dấn thân của chúng ta, chính Chúa Giê-su sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường.

 Đường lên trời của người Ki-tô hữu chúng ta đó là con đường làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh bằng chính đời sống ra đi phục vụ, yêu thương, tha thứ, vui tươi…Tiếp nối sứ mạng của các môn đệ, mỗi Ki-tô hữu cũng được Chúa sai vào trong thế gian. Dù sống giữa trần gian, nhưng chúng ta không thuộc về trần gian này. Chúng ta tin rằng cuộc sống chúng ta nơi đây chỉ là một cuộc lữ hành đi về quê hương đích thực có Chúa là cội nguồn và là cùng đích. Niềm hy vọng của chúng ta đặt ở nơi Chúa. Mắt chúng ta hướng về trời cao. Cuộc sống lữ hành trần gian là một cuộc làm chứng không ngừng về Chúa Giê-su, về con đường thập giá và phục sinh của Người. Xin Thánh Thần Chúa soi sáng và dẫn dắt mỗi người chúng ta. Amen.

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận