♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Chúa nhật III Phục Sinh (B) (18/4)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

Lc 24, 48
Dẫn vào thánh lễ

Việc Chúa sống lại là một sự kiện lịch sử, vì các tông đồ đã nhìn tận mắt và sờ tận tay thân xác phục sinh của Chúa, nên các ông là những chứng nhân đầu tiên và chắc chắn về Chúa.
Từ đó đến nay, luôn có những lớp chứng nhân mới, tiếp nối sự nghiệp loan báo Tin Mừng và làm chứng Chúa đã chết và sống lại.
Khởi đi từ Kinh Thánh, chúng ta nhận biết Chúa Giê-su là Ðấng Cứu Thế: Người phải chịu chết và sống lại để cứu độ loài người. Rồi chính nhờ sự rao giảng của các chứng nhân, chúng ta được mời gọi hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa.
Đến lượt chúng ta, nhờ đã tin vào Đấng Phục Sinh, chúng ta phải loan báo niềm tin đó nữa cho người khác. Đó là mục đích và lý tưởng cuộc đời Kitô hữu của chúng ta: Làm chứng cho Chúa bằng đời sống tốt đẹp của mình. Đó là một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương để trở nên một tấm gương sáng trước mặt mọi người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy suy nghĩ: Đời sống của tôi hiện nay có làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Người hay không?

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa. Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (Cv 3,13-15.17-19)

Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ

 13 Hôm ấy, ông Phê-rô lên tiếng nói với dân chúng rằng : “Thưa đồng bào Ít-ra-en, Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. 14 Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. 15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng.

 17 “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. 18 Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là : Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. 19 Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.”

🌸 Đáp ca Tv 4,2.4.7.9 (Đ. c.7b) 

Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

2Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét,
khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời.
Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con,
xin thương xót nghe lời con cầu khẩn.

Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

4Hãy biết rằng : Chúa biệt đãi người hiếu trung với Chúa ;
khi tôi kêu, Chúa đã nghe lời.

Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

7Biết bao kẻ nói rằng : “Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc ?”,
lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

9Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ,
vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa,
ban cho con được sống yên hàn.

Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

🌸 Bài đọc 2 (1 Ga 2,1-5a)

Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, và tội lỗi cả thế gian nữa.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ

1Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi,
tôi viết cho anh em những điều này,
để anh em đừng phạm tội.
Nhưng nếu ai phạm tội,
thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha :
đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính.
2Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta,
không những tội lỗi chúng ta mà thôi,
nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.
3Căn cứ vào điều này,
chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa :
đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.
4Ai nói rằng mình biết Người
mà không tuân giữ các điều răn của Người,
đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.
5Còn hễ ai giữ lời Người dạy,
nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.

Tung hô Tin Mừng x. Lc 24, 32

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa Giê-su, xin mở trí cho chúng con hiểu lời Kinh Thánh. Và khi Chúa phán dạy, xin đốt lòng chúng con cháy lửa nồng nàn. Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Lc 24,35-48)

Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

 35 Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

 36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

 44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Thiên Chúa đã dùng quyền năng Thánh Thần làm cho Đức Ki-tô sống lại để ban ơn giải thoát chúng ta. Người đã sống lại và đang song hành với chúng ta. Trong niềm vui cứu độ, chúng ta hãy sốt sắng dâng lời nguyện xin:

  1. “Bình an cho anh em”. Xin cho các Giám mục, Linh mục, Phó tế và các Tu sĩ nam nữ luôn cảm nhận được sự bình an mà Chúa ban cho, hầu những gian nan thử thách trong cuộc sống không làm suy giảm tình yêu của đời dâng hiến, nhưng trái lại luôn tin yêu nhiệt thành trên đường dấn thân làm chứng cho tình yêu đích thực của Đức Kitô. Chúng con cầu xin Chúa.
    Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
  2. “Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em”. Xin cho những ai đang sống ngoài lề của Giáo hội Chúa, đặc biệt là những người đang xúc phạm đến Danh Thánh Chúa, được ơn soi sáng, ơn nhạy bén và biết nghe tiếng thôi thúc từ bên trong để tìm về con đường Chân Thiện Mỹ duy nhất là Đức Giêsu Kitô ngõ hầu được cứu độ. Chúng con cầu xin Chúa.
  3. Chúa Phục Sinh đã truyền cho các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Xin cho các Giáo lý viên nói riêng và mỗi một thành phần dân Chúa nói chung, luôn có tâm tình đơn sơ khiêm tốn, và một đời sống gương mẫu đạo đức, để làm chứng nhân cho Chúa ngay chính trong môi trường mình đang sống và làm việc. Chúng con cầu xin Chúa.
  4. “Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” Xin cho cộng đoàn phụng vụ hôm nay, sau khi cùng nhau nghe Lời Chúa và cùng chung chia một Tấm Bánh, chúng ta biết nhận ra: Chúa vẫn đang cùng lao động, làm việc, cùng san sẻ, gánh vác với chúng ta trong mọi nỗi vui buồn và khó khăn. Nhờ đó, chúng ta có thể cùng nhau sống đức tin và trở thành những chứng nhân anh dũng về sự hiện diện của Chúa Ki-tô. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả, giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ Người con cái sự sáng được sinh ra để sống muôn đời, và khi các cửa Nước Trời được mở ra đón các tín hữu, vì nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của Người, chúng con được phục sinh.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân của Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới. Xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con.
Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma.
Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ,
nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma.
Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách
để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng.
Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài
để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt.
Ngài còn ăn một miếng cá nướng
để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.
Khi các môn đệ yếu đức tin,
họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma.
Nhưng khi đức tin của họ được củng cố,
họ mới thấy Ngài có thực.
Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa,
vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ,
giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược,
hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau.
Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến.
Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.
Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ.
Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại.
Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời.
Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng.
Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi
ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.
Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết.
Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động.
Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người.
Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ.
Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu.
Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt,
và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết.
Họ phải là nguồn sống dồi dào,
sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui.
Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học.
Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc.
Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền.
Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa,
nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình,
chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh,
bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin.
Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ
thì người ta có thể gặp đươc Ðấng đang sống.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Cầu nguyện

Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

DẤU ĐINH CHÚA KITÔ – DẤU ĐINH NGƯỜI KITÔ HỮU

Người đưa tay chân ra cho các ông xem!” (Lc 24,10)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Cv 3,13-15.17-19)

Sau khi chữa lành cho một người què từ khi lọt lòng mẹ (Cv 3,1-10), Phêrô bắt đầu bài rao giảng mà chúng ta có trong bài đọc hôm nay.

Trong bài giảng này, Phêrô nhấn mạnh như một điệp khúc: “Chúng tôi đã làm chứng” (c.15). Các tông đồ đang thể hiện mình như là các nhân chứng Phục sinh, bởi lẽ, những phép lạ mà họ đang thực hiện chứng minh cách chắc chắn rằng Đấng Kitô không phải chết, nhưng đang sống.

Đức Giêsu khi còn trong sứ vụ của mình đã rảo quanh khắp làng mạc rao giảng Tin mừng, chữa lành bệnh tật, đưa về những tâm hồn lạc lối. Và nếu những điều này tiếp tục được thực hiện trong cùng một thể thức với uy quyền của Đức Giêsu, điều đó chứng tỏ Đức Giêsu vẫn đang sống và tiếp tục hoạt động trong các môn đệ, và Thần khí của Người vẫn đang hiện diện trong thế giới này.

Bài giảng của Phêrô còn nổi bật lên một sứ điệp hy vọng, đó là tình yêu Chúa luôn chiếm ưu thế và rút ra được điều tốt đẹp ngay cả từ lỗi lầm của con người. Kế hoạch của Người không thể bị xóa bỏ bởi sự thiếu hiểu biết; ngay cả những sự kiện bi kịch, những hành động rồ dại nhất (c.17) vẫn luôn được Người định hướng và đưa về lại trong kế hoạch cứu độ của Người.

Trong phần cuối (cc 17-19), Phêrô kêu gọi sự “sám hối và trở về cùng Thiên Chúa”. Việc con người chối bỏ Thiên Chúa không được ngài liệt vào sự xấu xa, nhưng là do bởi sự thiếu hiểu biết. Nhưng đây không phải là lời cuối cùng; phần kết thúc bài giảng là lời công bố ơn tha thứ và khả năng quay trở về với Thiên Chúa. Việc chữa lành người què trở nên như một dấu chỉ, đó là: ngay cả khi một người “tật nguyền” nhất cũng được chữa lành từ uy quyền Thần khí Đấng Phục sinh.

Từ đây có thể nói rằng việc chữa lành khỏi tội cần trải qua hai giai đoạn: biết chân thành nhìn nhận những lỗi phạm và hoán cải cuộc sống.

2. Bài đọc II (1Ga 2,1-5)

Kitô hữu là người biết ý thức về sự yếu đuối của mình và nhìn nhận rằng, ngay cả sau khi được ơn tha thứ, vẫn có khả năng tiếp tục phạm tội trở lại. Thánh Gioan trong bài đọc II  nhắc nhở chúng ta điều này. Tuy vậy, chúng ta luôn có một Đấng Bảo trợ trước mặt Chúa Cha, là Đức Giêsu Kitô (c.1).

Phần 2 của đoạn trích (cc.3-5) nói về những người mặc dầu nhận biết Thiên Chúa, nhưng không thực thi giới răn của Người. Vì thế thánh Gioan khẳng định rằng đức tin không thể tách rời khỏi cuộc sống. Chỉ có những người yêu mến và tuân giữ Lời Chúa mới thật sự nhận biết và yêu mến Người.

Ai giới hạn niềm tin ở lời nói mà không có một cuộc sống tương hợp với Tin mừng là kẻ nói dối và đặt để mình bên ngoài kế hoạch cứu độ (c.4).

3. Bài Tin mừng (Lc 24,35-48)

Kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh thường được mô tả với sự sợ hãi, hoảng hốt, ngờ vực của những người gặp gỡ; khó hơn nữa nơi câu 41: “Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng”. Làm sao chúng ta có thể giải thích niềm vui với thái độ nghi nan đi kèm?

Trong Kinh thánh, mỗi kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa luôn đi kèm với một phản ứng với thái độ kinh sợ từ phía con người, như Isaia, Dacaria, Maria hay các Tông đồ khi Chúa biến hình.

Ở đây không phải là nỗi sợ hãi trước một mối hiểm nguy, nhưng là sự sợ hãi phát xuất từ sự ngạc nhiên của người nhận mạc khải của Thiên Chúa.

Và vì thế, trong đoạn Tin mừng hôm nay, ngạc nhiên và sợ hãi là những hình ảnh của Kinh thánh mà các tác giả Tin Mừng dùng để thuật lại một kinh nghiệm siêu nhiên, không thể diễn tả bằng lời của các môn đệ.

Thêm vào đó, thái độ hoài nghi, cứng lòng, không chắc chắn còn diễn tả hành trình vất vả và tiệm tiến của các tông đồ để đạt đến niềm tin chắc chắn vào Đấng Phục sinh.

Trong bối cảnh Đức Giêsu hiện ra, đang khi các môn đệ chăm chú định dạng vị thầy mình nơi khuôn mặt và vóc dáng, thì Đức Giêsu lại để Người được nhìn nhận qua các dấu đinh của mình, bởi đó chính là dấu chỉ tột đỉnh của tình yêu, nơi ghi khắc hồng ân tận hiến.

Kitô hữu chúng ta hôm nay cũng sẽ được nhìn nhận không phải qua cái tên hay những lễ nghi tôn giáo, nhưng qua những dấu đinh tình yêu như Thầy mình, như của thánh Phaolô: “Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu” (Gl 6,17).

Phần cuối đoạn Tin mừng (cc. 44-48) chỉ ra cho chúng ta cách thức để có thể trải nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh, đó là: cần phải mở lòng mở trí trước Kinh thánh; chỉ qua Kinh thánh, Đức Kitô tiếp tục cho các môn đệ của Người xem thấy dấu đinh, nghĩa là dấu chỉ tình yêu thương của Người.

Sau cùng, như ở bài đọc I và II, ta có lời công bố ơn tha thứ và mời gọi trở nên chứng nhân: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (cc.47-48). Việc tin vào Đấng Phục sinh mang lại một sự thay đổi tận căn trong cách nghĩ và cách sống; và việc rao giảng Đấng Phục sinh sẽ trở nên hiệu quả và khả tín, nếu mỗi người môn đệ, giống như Thầy mình, biết cho con người thời đại hôm nay xem thấy dấu đinh tình yêu nơi mình.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng”. Đức Giêsu đã sống lại và vẫn đang sống và hoạt động trong Giáo hội, trong các cộng đoàn, và nơi mỗi người môn đệ của Người. Nhìn lại đời mình, tôi phải làm gì để người khác khi nhìn vào tôi, vẫn thấy Chúa không phải chết, nhưng đang sống thật sự?

2. “ Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa”. Từ lời dạy của thánh Gioan, tôi thấy tôi đã thật sự biết, đã yêu, đã ở trong Chúa?

3.Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà. Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem”. Đức Giêsu Kitô đã tỏ dấu chỉ nhận dạng cho các môn đệ bằng những dấu đinh tình yêu và dâng hiến của chính mình; và chắc chắn Người cũng mời gọi tôi thực hiện như thế. Vậy tôi đã tỏ những điều gì cho anh chị em của mình?

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận