♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Chúa Nhật IV Phục Sinh (21/4)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Tôi chính là Mục Tử nhân lành

Ga 10 ,11
Dẫn vào thánh lễ

Chúa Giêsu chính là viên đá bị người ta loại bỏ, nhưng đã trở nên phiến đá góc tường. Những ai xây dựng đời mình trên viên đá ấy, sẽ muôn đời bền vững. Không chỉ là viên đá góc hay lũy sắt thành đồng che chở chúng ta, Chúa Giêsu còn là vị “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. Ngài đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Chúa Nhật thứ IV Mùa Phục Sinh hôm nay, cũng là Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục tu sĩ. Chúng ta không được chờ đợi cho đến lúc hoàn hảo mới quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa, và cũng đừng kinh hãi vì những giới hạn và tội lỗi của mình, nhưng đón nhận tiếng Chúa với tâm hồn rộng mở.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha, các giám mục, linh mục và tu sĩ trong Hội Thánh. Đồng thời xin cho chúng ta biết xây dựng đời mình trên Lời Chúa và biết lắng nghe tiếng Chúa là chủ chăn đích thực của chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Ðức Kitô, vị Mục Tử oai hùng của chúng con, đã khải hoàn tiến vào thiên quốc; xin cho chúng con là đoàn chiên hèn mọn cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn thuở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (Cv 4,8-12)

Không có một danh nào khác, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ

8 Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói trước Thượng Hội Đồng rằng : “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, 9 hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. 10 Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng : chính nhờ danh Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. 11 Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. 12 Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.”

🌸 Đáp ca Tv 117,1 và 8-9.21-23.26 và 28cd và 29 (Đ. c.22) 

Đ.Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.

1Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
8Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời,
thì hơn tin cậy ở người trần gian.
9Cậy vào thần thế vua quan,
chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.

Đ.Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.

21Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài
vì đã đáp lời con và thương cứu độ.
22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
23Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Đ.Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.

26Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.
Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em,
28cdlạy Thiên Chúa con thờ, xin dâng Ngài vạn tiếng tôn vinh.
29Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Đ.Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.

🌸 Bài đọc 2 (1 Ga 3,1-2)

Thiên Chúa thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ

1Anh em thân mến,
anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào :
Người yêu đến nỗi
cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa
– mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta,
là vì thế gian đã không biết Người.
2Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa ;
nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,
chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

Tung hô Tin Mừng Ga 10, 14

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Ga 10,11-18)

Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

 11 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. 14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

 16 “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Đức Giêsu Kitô là mục tử nhân lành đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên, để nhờ Người mà chúng ta được ơn cứu rỗi. Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta hãy thành kính dâng lên Chúa Cha những lời nguyện xin:

  1. “Ta là mục tử nhân lành”. Chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục, Linh mục và tu sĩ trong Hội Thánh, luôn biết kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, sống bác ái yêu thương như Chúa truyền dạy, để qua sự dẫn dắt của các ngài, Hội Thánh luôn là gương sáng và dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa giữa nhân loại. Chúng con cầu xin Chúa.
    Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
  2. “Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi Kitô hữu luôn biết sống tâm tình tạ ơn vì hồng phúc được Chúa hướng dẫn và chăm nom; đồng thời, luôn tin tưởng vững chắc vào Chúa, lắng nghe và sống theo lời mời gọi của Vị Mục Tử Nhân Lành. Chúng con cầu xin Chúa.
  3. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người đang đau khổ trong tâm hồn cũng như đang phải chiến đấu với những bệnh tật của thể xác, được thêm lòng can đảm để đón nhận và vác thập giá trong đời sống hàng ngày mà bước theo Chúa, hầu một mai cũng được hưởng vinh quang phục sinh với Người. Chúng con cầu xin Chúa.
  4. Nhân ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, xin cho có nhiều bạn trẻ hơn nữa nghe được tiếng mời gọi tha thiết của Chúa giữa một thế giới đang bị tổn thương, dám can đảm bỏ lại những thú vui trần thế, mà theo đuổi những lý tưởng cao đẹp hơn từ Phúc Âm, hầu trở thành những mục tử tốt lành như lòng Chúa ước mong. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi người tín hữu. Chúng con cầu xin …

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong mùa cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ việc hiến dâng thân xác mình làm hy lễ thật trên thập giá, Người kiện toàn các nghi lễ xưa, và khi phó mình cho Chúa để cứu độ chúng con, Người đã tỏ mình là tư tế, là bàn thờ và là Con Chiên.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là mục tử nhân lành, chúng con là đoàn chiên đã được Chúa cứu chuộc bằng máu châu báu của Ðức Giêsu Kitô. Cúi xin Chúa giờ đây thương đoái, dẫn đưa chúng con vào đồng cỏ Nước Trời. Chúng con cầu xin …

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

Nơi bìa trước của cuốn Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo
có một hình vẽ bằng những nét phác họa đơn sơ.
Hình này dựa trên bức khắc của một phiến đá ở ngôi mộ cổ,
trong hang toại đạo ở Rôma, vào cuối thế kỷ thứ ba.
Ta thấy hình một người chăn chiên đang ngồi.
Một con chiên nằm ở kề bên, quay mặt vào anh.
Người chăn chiên tượng trưng cho Đức Giêsu Mục tử.
Tay trái Ngài cầm chiếc gậy để dẫn dắt và bảo vệ chiên,
Tay phải Ngài cầm chiếc sáo đưa gần miệng,
thu hút con chiên với cung điệu du dương.
Cả người chăn chiên và con chiên đều ở dưới bóng cây.
Đây là “cây sự sống”, cây Thánh giá cứu chuộc nhân loại.
Hình ảnh Người Mục tử an bình bên cạnh con chiên
cho thấy linh hồn người đã khuất cũng mong được an nghỉ
trong hạnh phúc của cuộc sống vĩnh hằng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,
hai lần Đức Giêsu ví mình với người mục tử tốt (Ga 10,11.14).
Năm lần Ngài nhắc lại nét đặc trưng của người mục tử:
đó là hy sinh mạng sống cho đàn chiên (Ga 10,11.15.17.18).
Ai cũng quý mạng sống mình hơn nhiều thứ khác.
Đức Giêsu khẳng định: chỉ ai yêu bằng tình yêu lớn nhất
mới dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu (Ga 15,13).
Như thế mục tử tốt là người coi chiên như bạn,
và yêu chiên bằng một tình yêu lớn lao.
Đàn chiên “thuộc về” người mục tử, là một với người ấy,
nên người mục tử dám sống chết với đàn chiên.
Đây là điểm khác biệt giữa vị mục tử và anh chăn thuê:
Anh chăn thuê không quan tâm đến chiên,
vì chiên “không thuộc về” anh, nhưng thuộc về ông chủ.
Vì không chút gắn bó với chiên, nên khi sói dữ đến,
anh chăn thuê bỏ chiên mà chạy, mặc đàn chiên tan tác.
Anh ta coi mạng sống mình trọng hơn chiên.
Còn người mục tử tốt thì coi chiên trọng hơn mạng sống.

Trong Cựu Ước, Đấng Mêsia bởi dòng Đa vít là một mục tử.
Người mục tử có nhiều trách nhiệm với chiên:
săn sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng chiên là đoàn dân thánh,
nhưng không thấy Cựu Ước nói đến chuyện hy sinh mạng sống.
Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia, vị Mục tử do Cha sai đến.
Trong cuộc chiến bảo vệ chiên chống lại sói dữ,
vị Mục tử Giêsu có vẻ như đã thua cuộc,
thậm chí, Ngài đã chết trong cuộc chiến ác liệt này.
Nhưng Đức Giêsu cho thấy Ngài không thua cuộc.
Ngài chết không phải vì ở thế yếu,
nhưng để vén mở một tình yêu tự nguyện:
“Mạng sống này, không ai lấy đi khỏi tôi,
nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình (Ga 10,18).
Cái chết không phải là một thất bại,
nhưng là để cho thấy quyền năng của Đấng phục sinh:
“Tôi có quyền hy sinh mạng sống, và có quyền lấy lại.
Đó là mệnh lệnh tôi đã nhận từ Cha tôi.”
Cứ sự thường, khi mục tử chết thì đàn chiên cũng tan.
Nhưng Mục tử Giêsu chết để đàn chiên được nguyên vẹn:
“Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28).
Ngài chết để quy tụ những chiên chưa thuộc về ràn,
những chiên chưa nhận biết được tiếng của Ngài.
Ước mơ của Ngài là sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Mục tử.

Trong Chúa nhật hôm nay, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Mục tử,
chúng ta cầu cho các vị mục tử trong Hội Thánh
được ơn hiểu biết nhu cầu của chiên và quan tâm đến chiên,
dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và bảo vệ chiên khỏi sói dữ,
đưa chiên lạc về một ràn và hy sinh mạng sống mình vì chiên.
Nhờ đó cả nhân loại thành đoàn chiên của Thiên Chúa.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời đang gần bên. Amen.

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Học Hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

CHÚA CHIÊN LÀNH
(Cv 4,8-12; 1 Ga 3,1-2; Ga 10,11-18)
MỤC TỬ VÌ ĐÀN CHIÊN

Tôi chính là Mục tử nhân lành.
Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi,
và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga10,14-15)

*****

I. CÁC BÀI ĐỌC:

    Các bài đọc lời Chúa lễ Chúa Chiên Lành cho thấy những khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm Thiên Chúa: Thiên Chúa như là người cha hằng yêu thương con cái mình; Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa, là Mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh cho đàn chiên được sống, nhất là khi Người từ cõi chết sống lại, và trở nên đối tượng và nội dung của lời rao giảng tiên khởi trong thời Giáo hội sơ khai và vẫn tiếp tục là sứ mạng của Giáo hội trong thế giới hôm nay.

1. Bài đọc 1:

    Đoạn sách Công vụ tường thuật việc ông Phêrô, được đầy ơn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô, Đấng đã bị đóng đinh, nhưng đã trỗi dậy từ cõi chết. Người là Đấng Cứu độ duy nhất và nhờ danh của Người mà anh què được chữa lành.

    Trước hết, đứng trước lời chất vấn của các thủ lãnh tôn giáo Do thái “về quyền năng hay nhân danh ai” mà chữa anh què (x. Cv 4,7), lời chứng của ông Phêrô và cũng là của Giáo hội sơ khai là sự xác tín cách mạnh dạn và chắc chắn rằng Đức Giêsu Nadarét, một con người lịch sử, đã bị giết chết, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại. Và chính nhờ sức mạnh và quyền năng của Đức Giêsu Phục sinh đó mà người què đã được chữa khỏi, chứ không phải do tài khéo hay quyền năng riêng của ông Phêrô (x. Cv 3,6-8; 4,10). Đức Giêsu Phục sinh vẫn tiếp tục hiện diện và biểu lộ quyền năng của Người cho những ai đặt niềm tin nơi Người.

    Sau nữa, Giáo hội sơ khai, qua lời chứng của ông Phêrô, công khai tuyên xưng Đức Kitô Phục sinh là Đấng Cứu độ duy nhất, “ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Được cứu độ, đối với tác giả Luca, vừa có thể là được khỏi bệnh thể lý (x. Lc 7,50; 8,48; Cv 3,6-8), vừa có thể là được khỏi bệnh tâm hồn (x. Lc 8,12; 9,24), cũng có thể là sự thứ tha tội lỗi, thoát khỏi cái chết và án phạt đời đời (x. Lc 1,77; Cv 2,40.47). Chỉ Đức Kitô đã chết và đã sống lại mới là Đấng Cứu độ duy nhất như thế.

    Lời rao giảng về Đức Kitô đã chết và đã phục sinh, là Đấng cứu độ, Đấng ban sự sống cho những ai tin, đã vang lên trong chiều dài lịch sử và vẫn phải tiếp tục vang lên mãi trong đời sống Giáo hội.

2. Bài đọc 2:

    Thư thứ nhất Gioan là lời tuyên tín về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người; tình yêu lớn lao đó làm thay đổi thân phận người Kitô qua hai giai đoạn.

    Trước hết, ở giai đoạn thứ nhất, tình yêu Thiên Chúa cho các tín hữu được làm con thật sự của Người. Quả vậy, địa vị làm con Thiên Chúa không chỉ là một danh xưng, “được gọi là con Thiên Chúa” nhưng là một thực chất, “thực sự là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1). Thánh Phaolô cho biết rằng thân phận làm con Thiên Chúa giải phóng người ta khỏi “nô lệ và sợ sệt như xưa”, được gọi Thiên Chúa là “Ápba, Cha ơi!”; và trên hết, trong thân phận làm con Thiên Chúa, người Kitô hữu được quyền thừa kế, được đồng thừa kế với Đức Kitô, nghĩa là được “hưởng vinh quang với Người” sau khi “cùng chịu đau khổ với Người” (x. Rm 8,14-17).

    Sau nữa, ở giai đoạn thứ hai, tình yêu Thiên Chúa sẽ làm cho các Kitô hữu được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (x. Rm 8,29), nghĩa là “sẽ nên giống như Người” khi Người xuất hiện vào ngày quang lâm (1 Ga 3,2). Đó là ngày mà theo thánh Phaolô, “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ” (x. Rm 8,19), là ngày “sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư ảo, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (x. Rm 8,21), ngày “Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác” (x. Rm 8,23).

    Như vậy, điều mà thế gian là những người không tin vào Thiên Chúa và Đức Kitô, không muốn thừa nhận vì không thể hiểu thấu, lại là điều Thiên Chúa, do lòng thương hải hà, đã, đang và sẽ thực hiện cho con cái Người cho đến khi hoàn tất vào ngày quang lâm.

3. Bài Tin mừng:

    Mục tử Giêsu trong Tin mừng thứ tư là hình ảnh vị mục tử lý tưởng, hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu ước về những vị mục tử đẹp lòng Người (x. Gr 3,15; Ed 34,23-24). Đức Giêsu là “Mục tử nhân lành” với các phẩm chất như: “biết rõ từng con chiên”, “quy tụ các đàn chiên”, “tự ý hy sinh mạng sống và có quyền lấy lại”.

    Trước hết, Mục tử Giêsu biết rõ từng con chiên trong đàn của mình. Theo lẽ thường thì sự tiếp xúc hằng ngày giữa mục tử và đàn chiên tạo nên mối tương quan gần gũi, hiểu biết lẫn nhau. Điểm khác biệt trong cái biết của Mục tử Giêsu là biết đàn chiên “như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha” (Ga 10,15a). Cái biết theo mẫu mực tương quan Cha-Con là cái biết của yêu thương, hết lòng chăm sóc và sẵn sàng trao ban tất cả vì lợi ích của từng con chiên. Cái biết như thế chỉ có thể gặp thấy nơi Mục tử Giêsu.

    Hơn nữa, Mục tử Giêsu quy tụ các đàn chiên khác nữa. Người không chỉ quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho đàn chiên của mình, những người đã đón nhận đức tin, mà còn mở rộng sự lưu tâm đến những đàn chiên khác, những người chưa tin, chưa thuộc đàn chiên của Người. Sự hy sinh tính mạng của Mục tử Giêsu có giá trị cho cả những đàn chiên khác mà lúc này vẫn chưa nhận ra tiếng Người. Mục đích tối hậu của Mục tử Giêsu là đưa những đàn chiên đó về với Người, để “chỉ có một đàn chiên và một người mục tử” (Ga 10,16).

    Sau cùng, Mục tử Giêsu không chỉ bảo vệ, mà còn hy sinh cả mạng sống cho đàn chiên. Dù hình ảnh mục tử – đàn chiên rất phổ biến trong Cựu ước, nhưng không có nơi nào trong Cựu ước trình bày bất kỳ mục tử nào dám hy sinh mạng sống cho đàn chiên. Thường thì các mục tử chăm sóc và bảo vệ đàn chiên là để phục vụ cho lợi ích của mình; sự an toàn và mạnh khoẻ của đàn chiên mang lại lợi ích cho mục tử. Còn Mục tử Giêsu chăm sóc và bảo vệ đàn chiên không vì lợi ích của bản thân mà vì lợi ích của chính đàn chiên, đến nỗi Người sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống mình cho đàn chiên. Đồng thời, sự hy sinh mạng sống của Mục tử Giêsu không có nghĩa là sự hư mất, nhưng là để có thể “lấy lại mạng sống”, nghĩa là phục sinh (x. Ga 10,17-18), để muôn đời Người vẫn là Mục tử, là Đấng Cứu độ duy nhất trao ban sự sống cho những ai muốn thuộc về đàn chiên của Người.

II. GỢI Ý MỤC VỤ:

1/ Đoạn sách Công vụ tường thuật việc ông Phêrô, được đầy ơn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô, Đấng đã bị đóng đinh, nhưng đã trỗi dậy từ cõi chết. Người là Đấng Cứu Độ duy nhất và nhờ danh của Người mà anh què được chữa lành. Giáo hội qua mọi thời chỉ là chính mình khi không ngừng rao giảng về mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Kitô. Và mọi Kitô hữu, được nhận lãnh ơn Thánh Thần qua Bí tích Rửa tội, cũng được trao sứ mạng loan báo và làm chứng về Đức Kitô Phục sinh như là Đấng Cứu độ duy nhất.

2/ Thư thứ nhất Gioan là bài ca tụng tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu của Người làm thay đổi thân phận con người, trao cho họ phẩm giá cao quý là được làm con Thiên Chúa. Vì được làm con Thiên Chúa, ở đời này người Kitô hữu được giải thoát khỏi tội lỗi và đời sau được trao cho trọn quyền làm con, nghĩa là được hưởng tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa. Như vậy, dù đã được làm con Thiên Chúa, người Kitô hữu vẫn chưa thể hưởng nếm trọn vẹn vị thế làm con, khi vẫn còn sống trong trần gian này. Lời Chúa vẫn tiếp tục khích lệ người Kitô hữu tin tưởng, phó thác và trung thành cho đến khi Đức Kitô xuất hiện trong vinh quang của Người.

3/ Đức Giêsu hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu ước về những vị mục tử đẹp lòng Người (x. Gr 3,15; Ed 34,23-24). Người là Mục tử nhân lành, biết rõ và yêu thương từng con chiên, mong muốn quy tụ các đàn chiên thành một đàn chiên duy nhất và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên. Và hơn hết, Người sống lại để trở thành Mục tử muôn đời của những ai đặt niềm tin nơi Người. Gương mẫu của Mục tử Giêsu là lời mời gọi mỗi Kitô hữu trở nên những mục tử tốt đối với những người được trao phó cho mình. Sự gần gũi, yêu thương, cảm thông, chăm sóc, bảo vệ và sẵn sàng hy sinh cho nhau là sự nối dài tình thương của Mục tử Giêsu giữa đời này.

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận