♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Thánh Lễ làm phép Dầu (1/4)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Chúa đã xức dầu tấn phong tôi

Lc 4, 18 ; Is 61, 1
Lời nguyện nhập lễ

🌸 Bài đọc 1 (Is 61,1-3a.6a.8b-9)

Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, và tặng cho họ dầu thơm hoan lạc.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a

1Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho những tù nhân,
2công bố một năm hồng ân của Đức Chúa,
một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta ;
Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than,
3atặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on
tấm khăn đại lễ thay tro bụi,
dầu thơm hoan lạc thay tang chế,
áo ngày hội thay tâm thần sầu não.
6aCòn anh em, anh em sẽ được gọi là “tư tế của Đức Chúa”,
người ta sẽ gọi anh em
là “người phụng sự Thiên Chúa chúng ta.”
8bTa sẽ theo lòng thành tín mà ban phần thưởng cho các ngươi,
và sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu.
9Dòng dõi các ngươi sẽ nức tiếng giữa chư dân,
và giống nòi các ngươi sẽ lừng danh giữa muôn nước.
Tất cả những ai thấy các ngươi sẽ biết rằng
các ngươi là một dòng dõi được Đức Chúa ban phúc lành.

🌸 Đáp ca Tv 88,21-22.25 và 27 (Đ. x. c.2a)

Đ.Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.

21Ta đã tìm ra nghĩa bộc Đa-vít,
đã xức dầu thánh tấn phong người ;
22Ta sẽ không ngừng đưa tay nâng đỡ,
tay quyền năng củng cố vững vàng.

Đ.Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.

25Ta sẽ yêu thương Người và giữ lòng thành tín,
nhờ danh Ta, Người được thêm uy vũ.
27Người sẽ thưa với Ta : “Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ !”

Đ.Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.

🌸 Bài đọc 2 (Kh 1,5-8)

Người đã làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người.

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ

5 Nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, 6 làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người : kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men ! 7 Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế ! A-men !

8 Đức Chúa là Thiên Chúa phán : “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng.”

Tung hô Tin Mừng Is 61, 1

Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

🌸 Tin Mừng (Lc 4,16-21)

Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

16 Khi ấy, Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18 Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.

20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người. 21 Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.”

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Ý nghĩa Lễ truyền Dầu

 Chúng ta đang ở trong những ngày trọng đại nhất của Năm Phụng vụ. Ba ngày cuối Tuần Thánh diễn lại những biến cố và sự việc hết sức quan trọng trong cuộc đời trần thế của Chúa Kitô. Thông thường vào sáng thứ Năm Tuần Thánh (hoặc có thể vào ngày thứ Tư Tuần Thánh trong trường hợp đặc biệt), tại nhà thờ chánh tòa hay một nhà thờ tiêu biểu nào đó trong mỗi giáo phận sẽ cử hành Thánh lễ Truyền Dầu do Đức Giám Mục chủ sự. Sở dĩ gọi là lễ Truyền Dầu, vì trong thánh lễ này, Đức Giám mục sẽ hiến thánh Dầu Thánh, làm phép Dầu Bệnh nhân và Dầu Dự tòng, dùng để cử hành một số bí tích và phụ tích.

 Trong Thánh Lễ này cũng còn có mục đích tưởng niệm việc Chúa lập bí tích Truyền chức Thánh, tấn phong một số người được tuyển chọn lên làm Linh mục, ban cho các ngài quyền hành động nhân danh Chúa Kitô để làm những việc, đúng ra, chỉ mình Thiên Chúa có thể làm, như tái diễn hy lễ của Chúa Ktiô trên Thánh giá, tha tội cho muôn người, v.v..

 Vì Giám mục cũng như linh mục đều được chia sẻ chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô, nên trong Thánh Lễ này, các linh mục trong giáo phận được kêu mời về đồng tế với Giám mục của mình, để tỏ tình hiệp thông hiệp nhất giữa Giám mục và linh mục, cũng như giữa các linh mục với nhau. Trong thánh lễ, các linh mục sẽ lặp lại lời các ngài đã tuyên hứa trong ngày thụ phong, để một lần nữa nhắc nhở các ngài luôn ý thức về những bổn phận phải thi hành trong cuộc sống bản thân cũng như các công tác mục vụ, trong khi cố gắng từ bỏ chính mình để gắn bó với Chúa Kitô, nỗ lực nên đồng hình đồng dạng với Người mỗi ngày mỗi hơn và do đó cũng mang lại nhiều lợi ích hơn cho các linh hồn. Giáo Hội kêu mời anh chị em giáo dân cầu nguyện cho các Linh mục, Giám mục, và tích cực cộng tác với các ngài bằng cách thực thi những gì anh chị em có thể làm nhờ chức linh mục cộng đồng Chúa đã trao ban cho anh chị em ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội.

Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ

🌸 Dầu Thánh

 Dầu thánh có ba loại: Dầu Dự Tòng (O.S), Dầu Bệnh Nhân (O.I) và Dầu Thánh (S.C).

 Dầu Dự Tòng (oleum sanctorum trong tiếng La Tinh) được xức cho người dự tòng trước khi được Rửa Tội. Trong trường hợp rửa tội cho trẻ em, dầu dự tòng được xức ngay trong nghi thức cử hành bí tích. Đối với người trưởng thành theo đạo, dầu dự tòng có thể được xức trước đó vài tháng. Ý tưởng này xuất hiện từ thế kỷ thứ tư, khi Giáo Hội có nhiều người theo đạo và bí tích Rửa Tội có thể cần phải mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để chuẩn bị. Dầu Dự Tòng, với ý nghĩa củng cố thiêng liêng, được dùng để củng cố tương quan của người dụ tòng với Chúa Kitô khi họ đang tiến tới các bí tích.

 Dầu Bệnh Nhân (oleum infirmorum) được dùng trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Đó là dấu chỉ bề ngoài để chuyển thông ân sủng. Sau khi linh mục đặt tay trên người bệnh, ngài xức dầu Bệnh Nhân lên trán và tay họ. Ở bên trong, ơn chữa lành sẽ diễn ra khi người bệnh lãnh nhận bí tích. Đó có thể chỉ là sự chữa lành thiêng liêng và thêm sức cho người bệnh đối diện với đau đớn thể lý. Đôi khi, việc chữa lành thể lý cũng có thể xảy ra.

 Dầu Thánh (sacrum chrisma) đặc biệt và phân biệt với hai loại dầu kia. Chrism bắt nguồn từ Christos tiếng Hy Lạp có nghĩa là nhờ đó mà chúng ta nhận được Đức Kitô. “Kitô” nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Dầu này được dùng để ban các bí tích như Thêm sức và Truyền lệnh. Dầu này được dùng trong bí tích Rửa Tội khi không ban bí tích thêm sức ngay sau đó. Dầu Thánh là dầu ô liu có pha thêm thuốc thơm (Balsam). Thuốc thơm là một loại hương liệu có nguồn gốc từ các loại cây đặc biệt trong vùng Địa Trung Hải, trước đây dành cho vua chúa và các tư tế. Điều này phù hợp với ý nghĩa của bí tích, vì nhờ bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa nhận chúng ta là con và cho chúng ta chia sẻ vào chức tư tế phổ quát.

 Tất cả ba loại dầu này đều được cất giữ trong một tủ treo tường, được gọi là ambry. Dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, tủ đựng dầu thánh này đóng một vai trò quan trọng trong kiến ​​trúc nhà thờ. Tủ đựng dầu thánh có thời được đặt giản dị trong phòng thánh hoặc bên bàn thờ phụ, nhưng bây giờ, nó được đặt trên gian cung thánh và làm bằng thủy tinh với đèn chiếu bên trong để có thể thấy rõ các bình dầu thánh cũng được làm bằng thủy tinh.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 159-160.

🌸 Ý nghĩa Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

 Thánh Marcô thuật lại rằng, khi Chúa sai các Tông đồ đi rao giảng, các ngài đã xức dầu cho nhiều bệnh nhân và nhờ đó họ đã được chữa lành (Mc 6, 13). Theo bản chất, nhiều thứ dầu là một dược tố chữa bệnh. Trong đời sống thường ngày, mỗi khi cảm thấy khó chịu, nhức đầu, chúng ta cũng thường hay xức dầu, và chúng ta cũng cảm thấy người dễ chịu hơn. Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy người ta xức dầu khi phong vương một ông vua, hiến thánh các tư tế, tuyển chọn các Tiên tri, hiến thánh một đồ vật dành riêng cho việc phụng tự, thoa dịu một vết thương (x. Is 1, 6; Lc 10, 34); chữa lành một bệnh nhân (Gc 4, 14), tẩm liệm một xác chết (Mt 26, 12; Mc 14, 8; Ga 12, 7; Mc 16, 1). Trong lời nguyện hiến thánh Dầu Thánh, chúng ta sẽ nghe đọc, Giáo Hội nhắc lại việc Chúa truyền cho ông Môisen xức dầu cho ông Aaron, tấn phong ông làm Tư tế, rồi việc Chúa cho Thánh Thần ngự xuống trên chính Chúa Giêsu khi Người chịu phép Rửa tại sông Giođanô, công nhận Người là Con Một Thiên Chúa, là Đấng mà Tiên tri Đavít, được ơn Chúa soi sáng, đã xưng tụng là Đấng được xức dầu hoan lạc. Trong kinh Tiền tụng của Thánh Lễ này, Giáo Hội cũng tuyên xưng: “Chúa đã xức Dầu Thánh tấn phong Con Một Chúa làm Thượng Tế của Giao Ước Mới và vĩnh cửu”.

 Như vậy, từ việc xức dầu vật chất, người ta đã hướng lên việc xức dầu thiêng liêng, là chính Chúa Thánh Thần hoặc ân sủng của Ngài. Thật vậy, trong truyền thống của Cựu Ước cũng như Tân Ước, việc xức dầu vật chất chỉ là biểu hiệu, là dấu chỉ, là bảo chứng việc hiến thánh hoặc ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Vì thế trong lời nguyện làm phép Dầu Bệnh nhân, Giáo Hội xin Chúa cho Thánh Thần Chúa xuống trên Dầu, để nhờ phúc lành thánh thiêng của Chúa, Dầu xức trên những ai thì tất cả đều được nâng đỡ ngoài thân xác, trong tâm trí, linh hồn và được khỏi mọi đau đớn, bệnh tật. Rồi trong lời nguyện hiến thánh Dầu Thánh, Giáo Hội xin Chúa thương ban phúc lành thánh hóa Dầu, cho Dầu thấm đượm sức mạnh của Thánh Thần và quyền năng Chúa Kitô, làm cho Dầu trở thành bí tích mang lại ơn cứu độ và sự sống vẹn toàn cho những ai được tái sinh nhờ phép Rửa thiêng liêng.

 Vì thế nghi thức xức dầu của Đạo chúng ta hoàn toàn không có tính cách ma thuật. Chúng ta không gán cho dầu có một thần lực nào, đặc biệt về mặt siêu nhiên. Mọi hiệu quả của việc xức dầu đều bởi ơn Chúa, do quyền lực của Chúa Thánh Thần và công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô. Phân tích lời khuyên của thánh Giacôbê Tông đồ, chúng ta thấy hiệu quả chữa lành do việc xức dầu là do lời cầu nguyện, do đức tin và trên hết là do quyền năng của Thiên Chúa. Thánh nhân viết: “Ai trong anh em đau yếu, hãy mời các linh mục Hội Thánh đến cầu nguyện cho bệnh nhân, đồng thời xức dầu cho người ấy nhân danh Chúa; và lời cầu nguyện do đức tin sẽ cứu chữa bệnh nhân và Chúa sẽ cho bệnh nhân bình phục, nếu có mắc tội, thì sẽ được khỏi” (Gc 5, 14-15).

 Sở dĩ thánh Giacôbê khuyên bảo các tín hữu như vậy, vì chính Chúa Giêsu đã dùng Dầu để thiết lập một trong 7 bí tích của Người. Đó là bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. “Bí tích này ban cho bệnh nhân được ơn Chúa Thánh Thần, nhờ đó, toàn thể con người bệnh nhân được trợ giúp cho được mạnh lại, được nâng đỡ nhờ sự tín thác vào Thiên Chúa, được thêm sức mạnh chống lại các cám dỗ của ác thần, chống lại mối âu lo của cái chết, đến nỗi không những bệnh nhân biết can đảm chịu đựng sự dữ mà còn mạnh bạo tấn công sự dữ. Hơn thế, nếu vì lợi ích thiêng liêng của bệnh nhân, bí tích này sẽ chữa lành bệnh tật của họ, và nếu cần cũng ban cho bệnh nhân được khỏi tội và được ơn thống hối hoàn toàn” (Nghi thức Xức Dầu bệnh nhân, 6).

 Như thế, chúng ta thấy bí tích này rất hữu ích và cần thiết cho các bệnh nhân. Trước kia, vì hiểu lầm đây là bí tích dành cho những người lâm cơn hấp hối với mục đích giúp họ sửa soạn ra trước Tòa Chúa phán xét, nên nhiều người rất sợ khi phải lãnh bí tích xức dầu, và chỉ khi không còn hy vọng sống, họ mới chịu mời linh mục tới để được xức dầu. Đó là một cảm nhận sai lầm đã được Công Đồng Vaticanô II sửa lại, vì thế thay vì gọi bí tích này là “Phép xức dầu cuối cùng“, như trước kia, thì nay được gọi là bí tích xức dầu bệnh nhân (PV 9). Cũng vậy, bí tích này trước kia chỉ dành cho những bệnh nhân trong cơn nguy tử, thì nay khuyên tất cả các những ai lâm bệnh nặng nên xin lãnh nhận. Vì ơn riêng của bí tích này là giúp đỡ bệnh nhân kiên nhẫn chịu đựng bệnh tật, chống lại những chước cám dỗ của ma quỉ, hơn thế, nếu đẹp lòng Chúa, bí tích này còn ban ơn chữa lành bệnh tật, làm cho bệnh nhân sớm được bình phục.

 Hiểu được sự hữu ích và cần thiết của bí tích này, nên cuốn nghi thức bí tích xức dầu bệnh nhân do Đức Phaolô VI ban hành năm 1982, đã căn dặn: “Trong việc dạy giáo lý chung cũng như tại gia đình, các tín hữu phải được dạy cho biết để chính họ tự động xin lãnh nhận bí tích này, và ngay khi tới lúc phải lãnh nhận, thì họ hãy lãnh nhận với hết lòng tin tưởng và sốt sắng, đừng theo thói quen xấu mà lần lữa không lãnh nhận bí tích ấy. Còn tất cả những ai săn sóc bệnh nhân phải học hỏi kỹ lưỡng về bản chất của bí tích này” (NTXD 13), ngõ hầu có thể giúp các bệnh nhân lãnh nhận cách kính cẩn và có hiệu quả.

Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận