♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Suy tôn Thánh Giá (14/9)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Thập giá là hình phạt vô cùng bỉ ổi và ác độc của người Do Thái và La Mã đối với con người, đối với tội nhân. Thập giá theo nhãn giới người thường là một thất bại ê chề, một thảm họa của con người mang nhãn hiệu “tội nhân” bị kết án tử hình. Bản án của Đức Giêsu vẫn mãi mãi là một vụ án phức tạp, gây khó hiểu và ngạc nhiên cho muôn người, cho nhân loại nhìn theo mặt lịch sử.

Nhưng thập giá Chúa Ki-tô cũng là mầu nhiệm tình thương, muôn đời con người có lòng tin vẫn suy phục tôn kính thánh giá Chúa. Nếu con người có lòng tin thì cái chết trên thập giá của Đức Kitô là nguồn ơn cứu rỗi cho mọi người: “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13).
Nơi thập giá, Chúa Giêsu đã lôi kéo và qui tụ mọi người. Vì thập giá là tình yêu như thánh Gioan đã viết “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,10).

CHÚA GIÊSU LÀM THEO Ý ĐỊNH CHÚA CHA:

Cái chết là một cái gì bi đát cho cuộc đời, cho con người. Ai cũng phải chết đó là qui luật của đời người của con người, của mỗi người. Tuy nhiên, đối với với những người có đức tin: mất là được lại, chết là có sự sống mới, sự sống đời đời. Chúa Giêsu đã nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34) hoặc Ngài tâm sự: “Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18, 11). Chúa chấp nhận ý định của Chúa Cha với tâm hồn thanh thản và hoàn toàn tự do: “Mạng sống của Tôi không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18). Chúa hiến thân trên thập giá để cứu độ nhân loại và cái chết của Ngài là tuyệt đỉnh tình yêu của Ngài đối với nhân loại, đối với con người. Chúa chết, nhưng Ngài vẫn sống và Ngài vẫn hiện diện với nhân loại, với con người qua Bí Tích Thánh Thể: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em…Đây là Máu Thầy, Máu để lập Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 39). Chúa chấp nhận gánh tội của nhân loại với tâm tình hoàn toàn vâng phục: “Xin đừng theo ý Con, nhưng xin theo ý Cha“. Chúa đón cái chết với tất cả ý thức, với tất cả tâm hồn hoàn toàn hiến tế. Chính cái chết vâng phục của Chúa Giêsu đã làm cho thế giới, cho con người được tràn đầy hồng ân, chứa chan ân sủng và lãnh nhận ơn cứu độ. Chúa chết mang ơn cứu độ và hạnh phúc cho con người, nhưng con người lãnh nhận ơn cứu chuộc của Ngài với sự tự do: “Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài”(1 Pr 2, 24).

NGUỒN GỐC NGÀY LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Người ta ghi lại rằng thánh Hélène, mẹ của vua Constantin, đã để lại một tượng thánh giá trong thành thánh Giêrusalem dưới thời hoàng đế Hérachius I. Người Ba Tư vào thời gian đó đã tiến chiếm Giêrusalem và lấy đi một phần chính của thánh giá thật mà thánh Hélène đã dâng cúng tại thành thánh Giêrusalem. Vua Hérachius I nhất quyết lấy lại thánh giá này. Vua ăn chay, cầu nguyện, kêu gọi dân chúng hối cải, ăn năn sám hối, ăn chay, cầu nguyện để xin Chúa thương giúp đỡ, bảo vệ, hun đúc tinh thần quả cảm, can đảm để chiến thắng quân Ba Tư, hầu thánh giá thật được dựng lại trong thành thánh Giêrusalem. Lời cầu nguyện của vua Hérachius I và toàn dân đã được Chúa thương nhậm lời. Vua và quan quân đã đánh bại, chiến thắng quân Ba Tư và trở về Constantinople trong tiếng reo hò, hoan ca vang dội của toàn dân. Dân chúng cầm cành ô liu trong tay, và cầm những ngọn đuốc cháy sáng cung nghinh thánh giá thật đã được tái chiếm lại trong tay quân Ba Tư, với niềm vui tràn trề.
Hoàng đế Hérachius I sung sướng không kể xiết, muốn trở vể Giêrusalem ngay sau 14 năm thánh giá thật bị lưu lạc nơi quân Ba Tư. Nhà vua tiến vào thành thánh, nhưng trước khi bước lên núi Sọ, nhà vua không thể nào bước đi được khiến mọi người âu lo và sợ sệt . Trước sự lạ ấy, Giáo Trưởng Zacharie hô lớn: “Tâu Ðức Vua, chắc chắn phẩm phục sang trọng mà Ðức Vua đang mặc không xứng với sự khó nghèo và khiêm tốn mà Chúa Giêsu xưa đã thực hiện khi vác thập giá”. Nhà vua nghe lời vị Giáo Trưởng kêu mời và vội cởi bỏ phẩm phục sang trọng, lộng lẫy mà vua đang mặc để khoác vào người bằng bộ quần áo khó nghèo. Tức thì, vua bước đi được một cách nhẹ nhàng và dễ dàng trước sự chứng kiến của toàn dân; và để chứng tỏ tình thương bao la vô biên của Chúa, Chúa đã làm vô vàn phép lạ trong ngày kỷ niệm đáng ghi nhớ đó. Giáo Hội đã lập thánh lễ suy tôn thánh giá vào ngày 14/9 hằng năm để cho mọi người kính nhớ biến cố lớn lao, lạ lùng và đáng ghi nhớ này.

THÁNH GIÁ LUÔN LÀ THÁCH ÐỐ CHO CON NGƯỜI

Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỉ, đã từ chối mưu kế của satan,quỉ dữ. Ngài đã ngước mắt lên trời, thưa với Chúa cha rằng: “Lạy Cha con xin phó linh hồn trong tay Cha” (Lc 23,45). Chúa Giêsu đã tín thác tất cả sinh mạng của Ngài trong tay Chúa Cha để Cha lo toan và định liệu. Chính Chúa Cha đã làm cho Chúa Giêsu sống lại để cai trị, điều khiển mọi sự trên trời dưới đất (Mt 28, 18). Chúa Giêsu đã phục sinh để làm cho con người có sự sống mới, sự sống vĩnh cửu. Thập giá luôn là thách đố cho con người, nhưng ơn cứu độ chỉ có được nơi thập giá vì chính nơi Chúa Giêsu, ơn cứu độ chứa chan nơi Người .

SUY TÔN THÁNH GIÁ

Thánh giá dù là gỗ, sắt, vàng, hay giấy vẫn là thánh giá mang ơn cứu độ cho nhân loại. Con người vẫn hận thù ghen ghét, đã nghĩ ra hình phạt thật bỉ ổi, nặng nề để làm khổ nhau. Chỉ với hai thanh gỗ ghép chéo lại với nhau, con người đã gây sự đau khổ và giáng trên người khác một hình phạt nặng nề và đáng kinh tởm nhất. Chúa nói: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình mà theo Ta”. Thập giá là tình thương. Thập giá là hạnh phúc cho những ai có lòng tin. Đạo Kitô giáo không phải là đạo đi tìm thập giá để vác cho khổ. Nhưng thập giá là niềm tin và là hạnh phúc cho bất cứ những ai biết chấp nhận với lòng vâng phục, yêu mến và tự do.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu thập hình khổ giá để cứu chuộc loài người. Xin cho chúng con mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng con vẫn một lòng yêu mến suy tôn (Lễ Suy Tôn Thánh Giá . Lời Nguyện nhập Lễ).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết mến yêu thánh giá vì cây thánh giá mang lại ơn cứu độ cho chúng con.
Xin cho chúng con ơn can đảm để chúng con luôn làm chứng cho tình thương vô biên của Chúa.
Xin cho chúng con luôn biết giới thiệu thánh giá cho mọi người vì có kinh qua sự đau khổ thập giá như Chúa, chúng con mới được vinh quang.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
(Nguồn: simonhoadalat.com)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận