♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Lễ thánh Stêphanô (26/12)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát

Mt 10, 22

Thứ Hai trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh
THÁNH TÊ-PHA-NÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI

Lời nguyện nhập lễ

🌸 Bài đọc 1 (Cv 6,8-10 ; 7,54-60)

Kìa, tôi thấy trời mở ra.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ

 6 8 Thời đó, ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. 9 Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô. 10 Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.

 7 54 Khi nghe những lời ông nói, họ giận điên lên, và nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô.

 55 Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. 56 Ông nói : “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” 57 Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông 58 rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. 59 Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng : “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.” 60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng : “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ.

🌸 Đáp ca Tv 30,3bc-4.6 và 8a.16bc-17 (Đ. c.6a)

Đ.Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.

3bcXin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
như thành trì để cứu độ con.
4Núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa.
Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.

Đ.Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.

6Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con,
Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín.
8aĐược Ngài thương, con vui mừng hớn hở,
vì Ngài đã đoái nhìn phận con cùng khốn.

Đ.Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.

16bcXin giải thoát con khỏi tay địch thủ,
khỏi người bách hại con.
17Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ.

Đ.Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.

Tung hô Tin Mừng 

🌸 Tin Mừng (Mt 10,17-22)

Không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

 17 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì : 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

 21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết ; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Mến yêu hằng ngày

 Hôm qua, Giáo hội hân hoan kỷ niệm biến cố Giáng sinh của Đấng cứu độ nhân loại. Hôm nay chúng ta mừng kính vị thánh tử đạo đầu tiên đó là Stêphanô. Hôm qua, cả thế giới đổ dồn tâm trí về hình ảnh của một hài nhi nghèo nàn nhưng tuyệt đẹp nằm trong máng cỏ. Thì hôm nay chúng ta được chiêm ngưỡng tấm gương dám hy sinh đổ máu cho niềm tin mãnh liệt vào Đấng “hài nhi” đó của thánh Stêphanô.

 Một vài trong số chúng ta có thể sẽ thấy hơi kì lạ khi Giáo Hội lại cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về những điều đầy đau khổ, gian nan và có vẻ thê lương khi mừng kính tấm gương tử đạo của thánh Stêphanô đang trong không khí hân hoan vui mừng của ngày Con Thiên Chúa giáng trần này. Nếu nghĩ như thế, nghĩa là chúng ta chưa thực sự hiểu được ý nghĩa và mục đích của việc Chúa Giêsu xuống thế làm người. Chúng ta có xu hướng vẽ nên khung cảnh Giáng Sinh với những điều đẹp đẽ, lãng mạn. Thế nhưng, sự thật là chẳng có gì lãng mạn, đẹp đẽ trong khung cảnh giáng sinh khi ấy của Con Thiên Chúa cả: xa quê hương, bị khước từ, sinh ra giữa trời đêm lạnh lẽo nơi hang lừa hôi hám, khách viếng thăm cũng chỉ toàn những người nghèo hèn bên lề xã hội và một nhóm đạo sĩ bí ẩn đến từ vùng “dân ngoại” nào đó. Tương lai chờ đợi phía trước của Hài Nhi là một cuộc sống phục vụ hết mình, kết thúc bằng hy sinh trả giá chính sinh mạng trong nhục nhã ê chề, hòng cho chúng ta được tự do và chia sẻ sự sống với Ngài. Giáng Sinh chính là khởi đầu của tất cả những điều này, những lời Ngài tiên đoán dành cho những kẻ muốn theo  Ngài, và thánh Stêphanô là biểu trưng tương ứng của điều đó. Tấm gương tử đạo của thánh nhân nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta phải luôn sẵn sàng trong tâm thế dâng Chúa tất cả mọi thứ. Nghĩa là chúng ta phải đặt lại các mối ưu tiên trong cuộc sống của mình mà chọn Chúa trên tất cả mọi sự, bao gồm cả chính mạng sống mình.

 Hôm nay, chúng ta hãy ngẫm nghĩ về những đòi hỏi ẩn chứa trong sự giáng trần của Hài Nhi Giêsu, Đấng cứu độ thế giới.  Trong bối cảnh trần tục, những đòi hỏi này có vẻ quá đáng. Thế nhưng trong viễn cảnh của đức tin, chúng ta nhận ra rằng Con Chúa giáng sinh làm người là một cơ hội vô cùng quý giá để cho chúng ta được dự phần vào sự sống mới của Ngài, và chẳng điều gì ở trần gian này có thể sánh nổi. Chính nhờ vào đức tin như vậy mà Đức Maria, thánh Giuse và thánh Stêphanô đã chẳng ngần ngại từ bỏ tất cả để xin vâng theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng được mời gọi để làm theo như thế. Đó có thể là một sự từ bỏ quá khó khăn, nhưng hy sinh đó là đáng giá!

 Lạy Chúa Giê-su, trong bầu khí hân hoan vui mừng của mầu nhiệm Giáng Sinh, xin giúp con nhận biết một cách rõ ràng hơn nữa lời mời gọi của Chúa để con dám dâng hiến hoàn toàn con người của con cho vinh quang thánh ý của Chúa. Ước gì con có thể hiểu và thấu cảm được mầu nhiệm giáng sinh làm người của Chúa, nhờ đó con được tái sinh vào một sự sống mới, một sự sống của tự nguyện hiến dâng và trao ban. Ước chi con có thể bắt chước tình yêu mà thánh Stêphanô đã dành cho Chúa và sống với tình yêu đó trong cả cuộc đời con. Amen.

—-//—-//—–
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://livingspace.sacredspace.ie/c1226g/
https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/advent-and-christmas-reflections/christmas-octave/

🌸 Gợi ý suy niệm

Giáo Hội mừng kính lễ thánh Stêphanô vào ngay sau lễ Giáng Sinh.
Ngài đã chết như chứng nhân đầu tiên cho Chúa Giêsu.
Người làm chứng đã trở thành người tử đạo.
Stêphanô là một phó tế đầy đức tin và Thánh Thần (Cv 6, 5),
đầy ân sủng và quyền năng, làm được những điềm thiêng dấu lạ (c. 8).
Ông gặp sự chống đối từ một số người Do Thái gốc Hy Lạp (c. 9).
Nhưng họ không địch nổi sự khôn ngoan và Thần Khí nơi ông.
Ông đã bị bắt, bị đem ra xử trước Thượng Hội Đồng (c. 12).
Stêphanô đã giảng một bài dài về dòng lịch sử cứu độ (Cv 7).
Chính bài giảng này đã khiến họ tức điên lên chống lại ông.
Khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái giáo,
khuôn mặt của Stêphanô giống như thiên thần (Lc 6, 15).
Ông nhìn lên trời, thấy trời mở ra và thấy vinh quang Thiên Chúa.
Nhưng hình tượng quan trọng ông thấy là Đức Giêsu.
Ngài đang đứng ở bên hữu Thiên Chúa, ở vị trí danh dự (c.56).
Ông đã tuyên xưng trước mặt mọi người điều mình vừa thấy.
“Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.”
Stêphanô gọi Đức Giêsu là Con Người,
một lối nói Đức Giêsu vẫn hay dùng để nói về bản thân.
Tuyên xưng của ông bị coi là xúc phạm đến Thiên Chúa.
Những người nghe đã xông vào, lôi ông đi và ném đá ông ở ngoài thành.
Stêphanô bị ném đá vì tội nói phạm thượng (cc. 57-58).
Thật ra ông đã chỉ làm chứng về Đấng Công Chính là Đức Giêsu (c. 52).
Cái chết tử đạo của Stêphanô được thánh Luca kể lại
với những nét giống với cái chết trước đó của Đức Giêsu.
Cái chết của ông là cái chết an hòa và bao dung.
Như Đức Giêsu trên thập giá, ông chết khi ông đang cầu nguyện.
Đức Giêsu đã kêu lên Thiên Chúa, Đấng mà Ngài âu yếm gọi là Cha:
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Khi cận kề với cái chết, Stêphanô cũng cầu xin với Đấng ông vừa thấy:
“Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (c. 59).
Ông gọi Đức Giêsu phục sinh là Chúa và ông trao đời ông cho Ngài,
như Ngài đã trao đời Ngài vào tay Cha.
Như Đức Giêsu, Stêphanô đã kêu một tiếng lớn trước khi chết,
Ông chết trong tư thế quỳ, đống đá đè trên người ông và vùi lấp ông.
Ông chết trong tư thế cầu nguyện cho kẻ giết mình.
“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (c. 60).
Bầu khí xử án Stêphanô là bầu khí của Ba Ngôi.
Có sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu và Thánh Thần.
Thánh Thần giúp chúng ta làm chứng về Chúa Giêsu cho thế giới.
Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng đòi chúng ta lội ngược dòng.
Ngược dòng với thế gian, với những cám dỗ đến từ chính lòng mình.
Không chỉ trao linh hồn ta vào tay Chúa lúc ta gần chết,
chúng ta phải trao đời ta vào mỗi buổi sáng và trong suốt hôm nay.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp :
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.


Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận