♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Thứ bảy tuần XXV TN (26/9)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Con Người sắp bị nộp vào tay người đời

Lc 9, 44

Thánh Cót-ma và thánh Đa-mi-a-nô, tử đạo

Lời nguyện nhập lễ

???? Bài đọc 1 (Gv 11,9 – 12,8)

Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất.

Bài trích sách Giảng viên

119Này bạn thanh niên,
cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn,
và làm cho tâm hồn được hạnh phúc
trong những ngày còn trẻ :
cứ chiều theo ước muốn của lòng mình
và những gì mắt mình ưa thích.
Nhưng bạn phải biết rằng :
về tất cả những điều đó,
Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử.
10Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn,
khử trừ đớn đau khỏi thân xác,
vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả.
121Giữa tuổi thanh xuân,
bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình.
Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới,
đừng chờ cho năm tháng qua đi,
những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói :
“Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả !”
2Đừng chờ đến khi mặt trời với ánh sáng,
mặt trăng cùng tinh tú đều trở thành tối tăm,
và mây đen tụ lại khi cơn mưa đã dứt.
3Ngày ấy, người giữ nhà sẽ run lẩy bẩy,
chàng trai vạm vỡ phải khòm lưng,
các cô xay bột không còn xay tiếp vì không đủ người xay,
các bà nhìn qua cửa sổ : chỉ nhìn thấy lờ mờ.
4Ngày ấy, cánh cửa ngó ra đường sẽ đóng lại,
tiếng cối xay bột từ từ nhỏ đi,
người ta trỗi dậy khi vừa nghe tiếng chim hót
và mọi cô ca sĩ sẽ phải lặng thinh.
5Ngày ấy, đường hơi dốc cũng làm người ta sợ,
chân bước đi mà lòng thật kinh hoàng.
Ngày ấy, hoa hạnh đào nở ra trắng xoá,
loài châu chấu trở nên chậm chạp nặng nề,
trái bạch hoa hết còn hương vị.
Bởi vì con người tiến đến nơi ở ngàn thu,
bên đường đầy những người khóc than ai oán.
6Đừng chờ đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ,
vò nước bể ngay tại hồ chứa nước,
ròng rọc gãy, vụt rơi xuống giếng sâu.
7Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất,
khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa
hơi thở Người đã ban cho mình.
8Ông Cô-he-lét nói :
“Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả !”

???? Đáp ca Tv 89,3-4.5-6.12-13.14 và 17 (Đ. c.1)

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

3Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo : “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !”
4Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

5Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
6nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

12Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
13Lạy Chúa, xin trở lại ! Ngài đợi đến bao giờ ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

14Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.
17Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,
xin củng cố việc tay chúng con làm.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

Tung hô Tin Mừng 

???? Tin Mừng (Lc 9,43b-45)

Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. Các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

43b Khi ấy, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, thì Người nói với các môn đệ rằng : 44 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

???? Gợi ý suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo
về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?
Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.
Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,
thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.
Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được
làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.
Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha,
và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

???? Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

???? Mến Yêu Hằng Ngày

 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây…”

 Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ chú ý lắng nghe kỹ lời Ngài sắp nói. Và rồi Ngài bắt đầu giải thích về cuộc khổ nạn và cái chết Ngài sắp phải trải qua, nhưng các ông không nhận ra ý nghĩa lời Ngài và họ sợ không dám hỏi lại về lời ấy.

 Dù cho các môn đệ không hiểu và thậm chí các ông không dám hỏi lại Đức Giê-su, Ngài cũng không cảm thấy buồn vì các ông thiếu hiểu biết, khi ngày giờ đến, họ sẽ hiểu những gì thầy mình nói. Nhưng trước hết, các ông không khỏi bối rối khi nghe những lời ấy.

 Khi nào các tông đồ hiểu được điều ấy? Các ông đã thông hiểu ngay khi Chúa Thánh Thần đến và dẫn đưa các ông đến chân lý sự thật. Thông qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa soi sáng cho họ hiểu được mầu nhiệm huyền diệu ấy.

 Giống như các tông đồ xưa, khi chúng ta đối diện với mầu nhiệm đau khổ mà Chúa Giê-su đã trải qua, đau khổ của chính chúng ta hay của những người ta yêu thương, sự thường ta không khỏi hoang mang, bối rối. Và phải có ơn Chúa Thánh Thần khai sáng tâm trí, chúng ta mới có thể thông suốt và thấu hiểu được ý nghĩa và giá trị của khổ đau. Không ai được miễn trừ khỏi những đau khổ của cuộc sống nơi trần thế. Nếu chúng ta không để Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống mình, thì những biến cố sẽ dẫn ta đến nỗi hoang mang, tuyệt vọng. Nhưng nếu ta để Ngài hành động, tâm trí ta sẽ được khai mở và rồi ta bắt đầu hiểu được những việc Thiên Chúa đã làm trong chúng ta như thế nào thông qua các biến cố, như cách Ngài cứu rỗi loài người qua cuộc thương khó của Chúa Giêsu vậy.

Phản tỉnh: chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại chính mình, liệu xem bản thân đã thông hiểu những biến cố của Chúa Giê-su và của chính chúng ta hay chưa. Chúng ta có để Chúa Thánh Thần hành động, qua đó, Thiên Chúa biểu lộ cho ta thấy ý nghĩa và giá trị của những biến cố và sự kiện trong đời ta hay không? Hãy dâng lên Chúa Thánh Thần lời cầu nguyện, xin Ngài ban ơn khôn ngoan, để nhờ đó ta được Chúa dẫn dắt đến những mầu nhiệm huyền diệu trong đức tin của chúng ta.

 Lạy Chúa, con biết Ngài đã chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc chúng con. Con biết rằng những đau khổ của con sẽ trở nên giá trị và ý nghĩa trong Thánh Giá của Ngài. Xin soi sáng cho con, giúp con nhận thấy điều bí nhiệm tuyệt vời ấy, để con tìm thấy giá trị cao quý trong thập giá của Ngài cũng như của chính con. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.

—–//—–//——-//—-

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn:https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-18-34/twenty-fifth-week-in-ordinary-time/

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận