♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Thứ bảy tuần XXX TN (31/10)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi

Pl 1, 21
Lời nguyện nhập lễ

???? Bài đọc 1 (Pl 1,18-26)

Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê

18 Thưa anh em, có những kẻ rao giảng về Đức Ki-tô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành, nhưng dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Ki-tô được rao giảng là tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa, 19 bởi vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô phù trợ. 20 Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết : 21 vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. 22 Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. 23 Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng : ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần : 24 nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. 25 Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em. 26 Như thế, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em càng có lý do để hãnh diện về tôi, khi tôi lại đến gặp anh em.

???? Đáp ca Tv 41,2.3.5bcd (Đ. c.3a)

Đ.Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.

2Như nai rừng mong mỏi
tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong
được gần Ngài, lạy Chúa.

Đ.Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.

3Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến
vào bệ kiến Tôn Nhan ?

Đ.Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.

5bcdTôi tiến về lều thánh cao sang
đến tận nhà Thiên Chúa,
cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ,
giữa sóng người trẩy hội tưng bừng.

Đ.Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.

Tung hô Tin Mừng 

???? Tin Mừng (Lc 14,1.7-11)

Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa : họ cố dò xét Người.

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này : 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói : ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

???? Gợi ý suy niệm

Khi thấy các khách dự tiệc có khuynh hướng chọn ngồi chỗ nhất,
Đức Giêsu đưa ra một lời khuyên đối với họ (cc. 8-10).
Mới nghe những lời khuyên này,
ta có cảm tưởng đây chỉ là những lời dạy cách ứng xử khôn khéo.
Nên chọn ngồi chỗ cuối,
vì nếu chủ tiệc sắp xếp lại chỗ ngồi theo thứ bậc,
bạn có cơ hội được mời lên chỗ trên.
Thà ngồi dưới rồi được đưa lên, còn hơn ngồi trên mà bị kéo xuống.
Như thế ngồi chỗ cuối rốt cuộc chỉ là một giả vờ,
để che dấu tham vọng muốn được ngồi lên trên.
Ngồi chỗ cuối chỉ là để tránh một xấu hổ, sỉ nhục,
và nhắm đến một vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn (cc. 9-10).
Đức Giêsu có ý khuyên dạy người ta như thế không?
Chắc là không.
Qua dụ ngôn đơn sơ và có thể gây hiểu lầm trên đây (c. 7),
Đức Giêsu muốn nói với khách dự tiệc một điều quan trọng hơn nhiều.
Bài ca Magnificat đã nói đến một sự đảo ngược lớn lao sẽ xảy ra:
Chúa dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi kẻ giàu sang,
nhưng nâng cao kẻ khiêm nhường, ban dư đầy cho người đói (1, 51-53).
Các Mối Phúc cho và Khốn cho cũng nói lên sự đảo ngược này.
Phúc cho người nghèo, người đói, người khóc than.
Khốn cho người giàu, người no, người được ca tụng (6, 20-26).
Dụ ngôn Ladarô và ông nhà giàu là một minh họa về điều đó (16, 19-31).
Trong câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu cũng nói lên sự đảo ngược ấy khi Nước Thiên Chúa đến.
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.
Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11).
Bị hạ xuống trong bữa tiệc, thật là điều hổ nhục.
Nhưng bị Thiên Chúa hạ xuống trong ngày sau hết thì kinh khủng hơn nhiều.
Nỗi hổ nhục sẽ muôn đời còn mãi.
Để thực hành lời khuyên của Đức Giêsu cho đúng đắn,
thánh Basiliô cho ta một soi sáng như sau:
“Chúng ta phải để cho chủ tiệc lo chuyện xếp chỗ các khách mời.
Như thế chúng ta mới nâng đỡ lẫn nhau trong nhẫn nhục và bác ái,
đối xử với nhau trong sự kính trọng,
xa tránh mọi tìm kiếm hư danh và khoe khoang.
Chúng ta không giả vờ khiêm tốn.
Bởi lẽ thích tranh chấp và cãi vã là dấu hiệu kiêu ngạo
còn lớn hơn chuyện ngồi ghế đầu khi phải ngồi chỉ vì vâng phục.”
Kitô hữu vẫn phải đối diện với cám dỗ của tham vọng và quyền uy.
Ngấm ngầm hay lộ liễu, những tranh giành ảnh hưởng vẫn xảy ra.
Trong lòng, ai cũng nghĩ mình xứng đáng hơn người khác.
Thèm muốn vinh dự, chức tước, đã gây bao chia rẽ trong Giáo Hội.
Chỉ mong tôi thực sự hạ mình trước anh em tôi.
(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

???? Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

???? Mến Yêu Hằng Ngày

 Ai lại muốn là kẻ đứng cuối cùng? Chẳng phải xu hướng tự nhiên của con người là muốn được trọng vọng và ca ngợi sao?

 Qua dụ ngôn về cách hành xử của những khách dự tiệc cưới, Chúa Giê-su nhắn nhủ chúng ta hãy khiêm tốn hạ mình và cũng đừng kiêu căng, ngạo mạn “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

 Khiêm tốn không phải là việc ta cảm thấy bản thân mình tệ hơn hoặc suy nghĩ rằng mình luôn thua kém những người xung quanh, nhưng là khi ta thực sự hiểu được năng lực của bản thân mình tới đâu. Sự khiêm nhường thực sự có thể giải thoát ta khỏi mối bận tâm, đặc biệt khi những suy nghĩ hạ thấp bản thân mình đang xâm chiếm đầu óc chúng ta. Hãy nhìn nhận bản thân cách thẳng thắn và trung thực, vì đó là cách mà Thiên Chúa nhìn nhận bạn ở trên Trời (Tv 139,1-4). Người khiêm tốn là một người dám nhìn nhận bản thân mình một cách thực tế và không thêm bớt những suy nghĩ rằng họ phải thế này hay thế khác, cũng không hạ thấp hay nâng cao mình hơn con người thật của họ.

 Sự khiêm tốn giải thoát ta khỏi xiềng xích của giả tạo và dám đối mặt với bản chất thực của mình. Một người khiêm nhường không cần mang trên mình chiếc mặt nạ để trở nên hoàn hảo trước người đời, đặc biệt với những ai họ không quen biết. Họ cũng không cần phải xoay sở cả ngày trong những danh vọng và tiền tài hư vô.

 Sự khiêm nhường đưa ta đến sự trung thực, tính thực tế và sức mạnh để tạo ra một “ta” tốt hơn “ta” hiện tại. Đồng thời, cũng để ta biết yêu mến và phục vụ tha nhân vô điều kiện vì lợi ích chung hơn là lợi ích của mình. Thánh Phao-lô đã đưa ra cho ta ví dụ về mẫu gương khiêm nhường là Chúa Giê-su, người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân và sống như người trần thế để cứu chuộc chúng ta chỉ vì yêu thương. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự (Pl 2,7-8) Vậy chúng ta hãy bắt chước Ngài, vì khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là sợ sệt, hèn nhát, nhưng là can đảm, mạnh mẽ, quảng đại và chỉ có như vậy chúng ta mới dám tự hạ mình phục vụ anh em. Khiêm nhường như Chúa Giêsu cũng không phải là nô lệ, tôi đòi, mà đó là một cử chỉ yêu thương, một hành động cao quý. Phục vụ như Chúa Giêsu là yêu thương hết mình như Ngài đã làm. Chúa Giê-su sẽ ban tặng ân huệ dồi dào cho những ai khiêm nhường tìm kiếm Ngài trong mỗi con người họ tiếp xúc và phục vụ.

 Lạy Chúa Giê-su, Ngài đã trở thành người phục vụ khiêm nhường để cứu chúng con khỏi sự dữ của ma quỷ, ích kỉ và cám dỗ trên trần gian. Xin ban ân sủng dồi dào để chúng con được trở nên giống Ngài, biết khiêm nhường, yêu thương và giúp đỡ tận tình những nơi cần chúng con giúp đỡ. Amen.

—–//—-//—-

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/2018/nov3.htm

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận