♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Chúa Nhật IV Mùa Vọng (24/12)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được

Lc 1, 37
Dẫn vào thánh lễ

Trong ba Chúa nhật vừa qua chúng ta đã nghe Thánh Marcô và Gioan kêu gọi hãy tỉnh thức, sám hối, dọn tâm hồn và hãy vui lên để đón Chúa đến với mỗi người chúng ta.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống theo gương Đức Maria, với lòng khiêm tốn và xin vâng, qua những công việc bình thường xảy ra trong đời sống hàng ngày của mình.

Bài sách Tiên tri Samuel giúp chúng ta nhớ lại những điều Thiên Chúa hứa với tổ phụ Đavít. Đã đến lúc Chúa thực hiện lời hứa. Bài đọc 2 trình bày rõ lời hứa ấy được thực hiện ngang qua Đức Giêsu Kitô. Và Phúc Âm thánh Luca thuật lại câu chuyện Sứ thần truyền tin. Đây là mấu chốt quan trọng nhất trong toàn bộ chương trình của Thiên Chúa quan phòng về Đấng Mêssia sẽ đến: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31).

Trong tâm tình những ngày cuối của Mùa Vọng, chúng ta hãy nhìn thẳng vào chính con người thật của mình và cùng xin Mẹ Maria phù trợ để biết nói lên lời xin vâng như Mẹ trong mọi hoàn cảnh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Ðức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16)

Vương quyền của Đa-vít sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Chúa.

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai

1 Khi vua Đa-vít được yên cửa yên nhà và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, 2 thì vua nói với ngôn sứ Na-than : “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải.” 3 Ông Na-than thưa với vua : “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức Chúa ở với ngài.”

4 Nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng :

5 “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít : Đức Chúa phán thế này : Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao ? 8b Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. 9 Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi ; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. 10 Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, 11 kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. 14a Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. 16 Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.”

🌸 Đáp ca Tv 88,2-3.4-5.27 và 29 (Đ. x. c.2a)

Đ.Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.

2Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.
3Vâng con nói : “Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.”

Đ.Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.

4Xưa Chúa phán : “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,
đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta,5rằng :
dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,
ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ.”

Đ.Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.

27Người sẽ thưa với Ta : “Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ !”
29Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở
và thành tín giữ giao ước với Người.

Đ.Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.

🌸 Bài đọc 2 (Rm 16,25-27)

Mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nay được biểu lộ.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma

25 Thưa anh em, vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa 26 nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. 27 Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. A-men.

Tung hô Tin Mừng Lc 1,38

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Lc 1,26-38)

Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”

35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Sau lời “Xin Vâng” của Ðức Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người cứu độ nhân loại. Chúng ta vui mừng cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin:

  1. Chúa nói: “Nhà của ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời”. Xin cho Đức Thánh Cha Phanxico, các Giám mục, Linh mục và Phó tế luôn xác tín vào lời hứa của Chúa hầu can đảm vượt qua mọi cam go thử thách của cuộc sống, mà hăng say xây dựng Giáo hội trần gian theo lòng Chúa mong ước. Chúng con cầu xin Chúa.
    Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
  2. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai”. Xin cho các nhà lập pháp và các nhà khoa học cũng như những người đang tìm kiếm Đức tin, nhận ra Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật trong lịch sử cứu độ. Ngõ hầu họ được tràn ngập niềm vui cứu độ khi tin vào Mầu Nhiệm Ngôi Hai Nhập thể của Thiên Chúa làm Người. Chúng con cầu xin Chúa.
  3. Chúa hứa: “Ta ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi”. Xin cho anh chị em di dân, những ai đang phải đón nhận hậu quả xấu của dịch cúm Corona Virus, cảm nhận được tình yêu và sự đồng hành của Chúa, qua sự ân cần đón tiếp và nâng đỡ của các nhà hảo tâm mà họ gặp nơi trú ngụ cũng như nơi làm việc. Chúng con cầu xin Chúa.
  4. Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”. Xin cho từng thành viên của cộng đoàn phụng vụ chúng ta hôm nay, biết noi gương Mẹ Maria, mở lòng đón nhận và thực thi thánh ý Chúa, để tâm hồn tràn ngập niềm vui cứu độ mà Chúa đem đến. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xưa Thánh Thần Chúa đã dùng quyền năng làm cho Ðức Trinh Nữ Maria thụ thai; giờ đây, xin Chúa cử Người đến thánh hoá lễ vật chúng con dâng trên bàn thờ này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Người là Ðấng các tiên tri loan báo, Ðức Mẹ đồng trinh đã cưu mang với tình yêu khôn tả, thánh Gio-an đã loan tin sắp đến/ và chỉ cho thấy khi Người xuất hiện. Người là Ðấng làm cho chúng con hân hoan đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh; để khi Người đến sẽ thấy chúng con đang tỉnh thức và hân hoan ca tụng Người.

Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận bí tích Thánh Thể là bảo chứng ơn cứu chuộc muôn đời. Xin cho chúng con càng gần tới lễ Giáng Sinh càng thêm lòng sùng mộ để sốt sắng mừng mầu nhiệm Con Chúa giáng trần cứu độ chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay thật quen thuộc với chúng ta.
Ai cũng biết chuyện thiên sứ Gabriel đến truyền tin cho Đức Mẹ.
Khi đọc bài này vào những ngày gần lễ Giáng sinh,
chúng ta nhớ lại chuyện xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm.
Tại làng quê Nadarét nhỏ bé ở vùng Galilê,
Con Thiên Chúa đã bắt đầu làm người trong lòng mẹ
khi Mẹ Maria thưa xin vâng với những lời thiên sứ nói.
Nhưng nhân vật chính trong bài này không hẳn là Maria,
mà là Thiên Chúa, Đấng đã sai thiên sứ đến với Mẹ.
Từ đây ta có thể nhận ra đôi nét về khuôn mặt Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Đấng tôn trọng tự do con người,
dù con người chỉ là thụ tạo vô thường,
còn Ngài là Đấng Tạo hóa siêu việt, vô phương đạt thấu.
Để cứu độ nhân loại đang trầm luân trong tội,
Thiên Chúa muốn sai Con của Ngài đến làm người như ta,
chia sẻ trọn vẹn phận người của ta.
Ngài cần một phụ nữ chấp nhận làm mẹ của Con Ngài.
Từ lâu Thiên Chúa đã chuẩn bị Maria cho chức vụ đó,
đã ban cho Mẹ muôn ơn chẳng ai sánh bằng.
Bà là “Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà,
Bà được đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,28.30).
Vậy mà giờ đây Ngài vẫn thấy cần hỏi ý Maria,
và chờ nơi Mẹ một câu trả lời dứt khoát.
Con Thiên Chúa không thể có chỗ trong cung lòng Maria,
nếu Mẹ không tự do ưng thuận và mở lòng đón nhận.
Thiên Chúa khiêm hạ đã đến gặp Maria qua trung gian Gabriel,
Ngài cần con người cộng tác để cứu con người.
Thiên Chúa toàn năng cần Cô Maria bé nhỏ.

Thiên Chúa hứa với vua Đavít sẽ ban cho dân Do-thái
một vị vua có vương quyền và ngai vàng tồn tại mãi mãi.
Và Ngài đã trung tín giữ lời (2 Sm 7,12-17).
Gabriel cho thấy Đức Giêsu chính là vị vua này (Lc 1,31-33).
Nhưng Thiên Chúa không chỉ ban điều Ngài đã hứa.
Ngài là Đấng quảng đại ban nhiều hơn điều đã hứa,
vì Đức Giêsu không chỉ là một vị vua Mêsia cho dân Do-thái,
Ngài còn là Đấng Cứu độ cho cả nhân loại.

Thiên Chúa là Đấng bất ngờ và mãi mãi bất ngờ.
Ngài chọn Maria làm mẹ cho Con của Ngài,
Nhưng Ngài lại muốn người Con ấy được sinh bởi một trinh nữ.
Ngài cần một trinh nữ, nhưng đây là một trinh nữ đã đính hôn.
Khi thiên sứ loan tin cho Mẹ về kế hoạch của Thiên Chúa
thì Mẹ biết rằng đời mình không như cũ nữa.
Những dự tính của Mẹ về hôn nhân sẽ bị đảo lộn.
Mẹ sẽ sinh một người con, nhưng không phải con của Giuse,
mà là Con Đấng Tối Cao, Con Thiên Chúa.
Chắc Mẹ không thể hiểu hết, hiểu ngay, mọi chuyện.
Mẹ không thể hiểu hết lời giải thích của thiên sứ
về việc mình sẽ thụ thai nhờ “được Thánh Thần ngự xuống,
và được quyền năng Đấng Tối Cao tỏa bóng” (Lc 1,35).
Chắc Mẹ cũng không ngờ giây phút Mẹ xin vâng
là giây phút cả Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện:
Thiên Chúa Cha và Thánh Thần cùng với Con Thiên Chúa.
Mái nhà Nadarét là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi
đang bắt đầu một chương trình cứu độ lớn lao
với sự cộng tác không thể thiếu của một cô thiếu nữ.

Mỗi lần đứng trước máng cỏ,
tôi cần nhớ mình đang đứng trước Thiên Chúa Ba Ngôi.
Cả Ba cùng hiện diện và hoạt động trong mầu nhiệm Nhập Thể,
“vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta.”
Ngày xưa Thiên Chúa dùng Gabriel để báo tin cho Maria.
Ngày nay Thiên Chúa dùng ai để loan báo tin vui cho thế giới?
(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

🌸 Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê su, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được gì?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa.

Helder Camara
(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

🌸 Gợi ý mục vụ

NƠI ĐỨC GIÊSU KITÔ, THIÊN CHÚA KIỆN TOÀN LỜI HỨA CỦA NGƯỜI

“Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét,
đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít”         (Lc 1,26-27)

  1. CÁC BÀI ĐỌC
  1. Bài đọc I (2Sm 7,1-5.8-12.16)

    Sau khi đánh chiếm Giêrusalem và rước hòm bia Đức Chúa về thành (2Sm 5-6), vua Đavít nghĩ tới việc xây dựng một ngôi nhà xứng hợp cho Đức Chúa (c.1-2), nhưng Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ Nathan, đã cho vua Đavít một lời hứa lạ lùng rằng: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra -, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi” (c.12-13). Thuật ngữ “nhà” trong Kinh thánh được hiểu không chỉ là một ngôi nhà xây, mà còn là một dòng dõi, một thế hệ, và chính nghĩa thứ hai này mà lời ngôn sứ muốn nói.

    Rồi có một ngày năm 587 tCGS, khi quân Babilonia phá huỷ thành thánh Giêrusalem, đánh dấu chấm hết cho vương triều Đavít và các con ông. Những ai đã nghe qua lời sấm của ngôn sứ Nathan năm xưa ắt hẳn sẽ phải bị thử thách bởi lòng tin khi cho rằng: Thiên Chúa có lẽ đã quên đi lời hứa của Người năm xưa khi tuyên sấm về một vương triều Đavít vững bền và vô cùng tận.

    Tuy vậy, chính trong những năm tháng lưu đày loạn lạc, Israel đã nhận ra rằng: lời hứa Thiên Chúa không thể sai lạc, và một viễn cảnh tương lai không xa, từ dòng dõi Đavít, chắc chắn sẽ xuất hiện một Đấng giải thoát và như thế niềm tin và mong đợi về một Đấng Messia đã bắt đầu.

  • Bài đọc II (Rm 16,25-27)

    Bài đọc II là một vinh tụng ca kết thúc, tóm lược nội dung chính yếu của thư Rôma.Ở đây “Tin mừng” mà thánh Phaolô rao giảng được đặt nền tảng trên Đức Giêsu Kitô, trong đó chứa đựng mạc khải “mầu nhiệm” kế hoạch của Thiên Chúa cho con người.

    Kế hoạch này có tính liên tục với mạc khải trước đây của Thiên Chúa qua các ngôn sứ và Thánh kinh, và giờ đây đã được tỏ tường, đó là: mục đích ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được thông báo cho muôn dân biết và cần phải được đón nhận trong đức tin và sự tuân phục của loài thụ tạo trước Đấng Tạo hoá. Chính Người là Đức Chúa duy nhất, là nguồn mạch sự khôn ngoan đích thực, được tỏ bày qua Đức Giêsu Kitô. Giờ đây, nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta nhận ra rằng: Thiên Chúa đã vun trồng nơi con người một kế hoạch tốt đẹp từ ngàn đời.

  • Bài Tin mừng (Lc 1,26-38)

    Bài Tin mừng thuật lại lời truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria. Kinh thánh không thiếu những loại trình thuật này, và hầu hết đều muốn diễn tả khía cạnh kỳ diệu và lạ thường của các cuộc sinh hạ, và xem đó như là một ân huệ từ trời, và sứ mạng mang ơn giải thoát mà các nhân vật này mang đến có nguồn gốc từ Thiên Chúa.

    Thông thường chúng ta có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến hình ảnh Đức Maria và bối cảnh truyền tải sứ điệp qua sứ thần, nhưng ý định của trình thuật lại muốn làm nổi bật người con của Maria: Đấng Messia sẽ xuất thân từ đâu?

    Trong khi mọi ánh mắt đổ dồn về Giêrusalem để trông chờ sự can thiệp của Thiên Chúa như lời hứa năm xưa, thì Thiên Chúa lại hướng về một vùng quê hẻo lánh mà tên của nó chưa được nhắc đến lần nào trong Cựu ước, và sau này ông Nathanaen phải thốt lên: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46).

    Và nơi đó, Thiên Chúa đã không chọn vị anh hùng như Samson, Đavít hay Salômon, nhưng lại là một thiếu nữ Do thái đồng trinh bình dị.

    Nếu đối với Kitô giáo, đồng trinh là một lý tưởng tôn giáo, thì truyền thống ngôn sứ lại diễn tả một ý nghĩa khác, ý nghĩa của giao ước, và nhiều lần Giêrusalem được gọi là “trinh nữ, cô gái Sion” (Is 37,22, Gr 18,13; 31,4.21.22), để diễn tả sự trung tín của Israel với Thiên Chúa trước thế lực ngoại bang, trong đó, chính Người là Đức Lang quân, luôn ao ước được kết duyên với hiền thê của Người là Israel (Hs 2,18-22).

    Nhưng trong những giai đoạn bi kịch của lịch sử, Giêrusalem hoang tàn, thiếu vắng ơn thánh, thì thiếu nữ Sion lại bị ví như một thiếu nữ không chồng, “bị ruồng bỏ”, là “phận bạc duyên đơn” (Is 62,4). Tuy vậy, lời hứa về một tương lai không xa vẫn vang vọng, khi đó, Giêrusalem sẽ được Thiên Chúa “đem lòng sủng ái”, và sẽ được gọi là “ái khanh”, là “đất được kết duyên” (Is 62,4).

    Có thể nói, lời hứa của Thiên Chúa năm xưa qua miệng các ngôn sứ năm xưa như Nathan, Hôsê, Isaia, Giêrêmia, hôm nay, đã được đặt để trên môi miệng sứ thần, và được thánh Luca diễn tả như là một sự kiện toàn, và qua Đức Maria, trinh nữ Sion, được chào với tên gọi mới “Đấng đầy ân sủng”, Thiên Chúa đã kết ước với nhân loại bằng chính Người Con yêu của mình, và đổ đầy ân sủng và ơn cứu độ cho chúng ta: đó chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng Messia được đoan hứa và trông đợi, là Con Thiên Chúa: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng tối cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận (Lc 1,32-33).

    Lời thưa Fiat của Đức Maria (fiat mihi secundum verbum tuum) trong biến cố truyền tin không chỉ đơn giản là một lời xin vâng, nhưng còn là tiếng thưa Amen, một lời nguyện cầu diễn tả niềm cậy trông, phó thác, tin tưởng, với lòng ao ước rằng: lời Chúa và kế hoạch yêu thương của Người sớm được thực hiện và kiện toàn.

  1. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Kinh nghiệm đức tin của dân Israel luôn bị thử thách trong dòng lịch sử. Thế nhưng, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, Thiên Chúa vẫn luôn một mực tín trung trong lời hứa ban ơn cứu độ của Người. Như dân Do thái năm xưa, đức tin của chúng ta hôm nay cũng luôn bị thử thách bởi những nghịch cảnh khó khăn. Liệu rằng trong những hoàn cảnh đó, chúng ta vẫn luôn tín thác vào tình thương và lòng thương xót của Chúa?

2. Thư Rôma khẳng định Đức Giêsu Kitô là mạc khải tỏ tường về mầu nhiệm của Thiên Chúa cho con người, và mầu nhiệm đó được loan báo cho muôn dân qua biến cố Con Thiên Chúa làm người. Là người tín hữu, tôi có sẵn sàng đón nhận mầu nhiệm đó bằng đức tin và sự vâng phục thánh ý như lời kêu mời của thánh Phaolô không?

3. Lặng nhìn Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ, tôi nhận ra: có một kế hoạch đầy yêu thương từ ngàn đời mà Thiên Chúa dành cho chính tôi, cho cả người anh chị em tôi, và cho cả và nhân loại. Tôi có như Đức Maria, sẵn sàng đáp trả bằng hai tiếng Fiat-Amen?

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận