♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Chúa Nhật IV Mùa Chay (10/3)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một

Ga 3, 16
Dẫn vào thánh lễ

 Phụng vụ hôm nay muốn chúng ta chiêm ngưỡng thập giá Chúa Kitô, nguồn ơn cứu chuộc của mọi người. Vì Ðức Giêsu Kitô trên thập giá chính là hồng ân trọn vẹn của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình… “Để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,16).

 Bài trích sách Sử Biên Niên cho thấy mọi thành phần dân Chúa đều bất tín, chạy theo những ngẫu tượng ngoại bang, xúc phạm danh Chúa. Sau khi đã thanh luyện bằng những biến cố xảy ra trong đời họ, Thiên Chúa lại đưa dân trở về. Vì thế, Thánh Phaolô trong thư Êphêsô, nhấn mạnh: Chúng ta được cứu rỗi nhờ đức tin- Tin vào thập giá Ðức Kitô và ước muốn tiêu diệt tội lỗi như Người.

 Vậy để được tha thứ và thánh hóa, chúng ta phải nhìn lên thánh giá như những người đang đau đớn vì tội lỗi, đặt tất cả niềm tin vào thập giá Ðức Kitô và thực hành các việc lành theo ý Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

 Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hòa giải với Chúa. Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu, được lòng tin sống động, để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (2 Sb 36,14-16.19-23)

Chúa đày ải và giải phóng dân để bày tỏ cơn thịnh nộ và lòng thương xót.

Bài trích sách Sử biên niên quyển thứ hai

 14 Khi ấy, tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế. 15 Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. 16 Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa.

 19 Quân Can-đê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giê-ru-sa-lem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý giá. 20 Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Ba-by-lon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba-tư ngự trị. 21 Thế là ứng nghiệm lời Đức Chúa phán, qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng: cho đến khi đất được hưởng bù những năm sa-bát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn.

 22 Năm thứ nhất thời vua Ky-rô trị vì nước Ba-tư, để lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a được hoàn toàn ứng nghiệm, Đức Chúa tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư. Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau: 23 “Ky-rô, vua Ba-tư, phán thế này: ‘Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giê-ru-sa-lem tại Giu-đa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên…!’ ”

🌸 Đáp ca Tv 136,1-2.3.4-5.6 (Đ. x. c.5a.6a)

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

1Bờ sông Ba-by-lon, ta ra ngồi nức nở
mà tưởng nhớ Xi-on;
2trên những cành dương liễu,
ta tạm gác cây đàn.

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

3Bọn lính canh đòi ta hát xướng,
lũ cướp này mời gượng vui lên:
“Hát đi, hát thử đi xem
Xi-on nhạc thánh điệu quen một bài!”

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

4Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi
nơi đất khách quê người?
5Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
thì tay gảy đàn thành tê bại!

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

6Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm,
nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giê-ru-sa-lem
làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn.

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

🌸 Bài đọc 2 (Ep 2,4-10)

Anh em đã chết vì phạm tội, nhưng được cứu độ nhờ ân sủng.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô

 4 Thưa anh em, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, 5 nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! 6 Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.

 7 Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. 8 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; 9 cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. 10 Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

Tung hô Tin Mừng Ga 3,16

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời.

🌸 Tin Mừng (Ga 3,14-21)

Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

 14 Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

 16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Chúa Cha đã ban Con Một Người chịu chết chuộc tội chúng ta, để ai tin vào Con Ngài, thì được sống đời đời. Chúng ta thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết cầu nguyện:

  1. Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian”. Chúng ta cùng cầu xin cho Đức Giáo Hoàng, cũng như các vị chủ chăn trong Giáo Hội, là những người được Chúa sai đến trong thế gian, luôn ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình, hầu dẫn dắt mọi tín hữu bước đi trong ánh sáng và sự thánh thiện, nhằm đạt đến ơn cứu độ trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng con cầu xin Chúa.
    Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
  2. Bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi Kitô hữu, cách riêng những ai đang lầm đường lạc lối, biết nhận ra lòng bao dung nhân hậu của Thiên Chúa mà hoán cải trở về với Người trong mùa chay thánh này. Chúng con cầu xin Chúa.
  3. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người biết tin nhận Đức Giêsu Kitô “là đường, là sự thật và là sự sống”, để khi hết lòng vững tin vào Con Một Chúa và bước đi theo sự chỉ dẫn của Người, họ thực sự trở nên những chứng nhân cho tình yêu của Chúa.Chúng con cầu xin Chúa.
  4. Các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”. Xin cho mỗi Kitô hữu là một viên đá sống động xây nên ngôi nhà Thiên Chúa. Xin cho mỗi người luôn biết sống tinh thần hiệp nhất, biết tích cực cộng tác với nhau trong mọi công việc hằng ngày để xây dựng và kiến tạo thành một cộng đoàn huynh đệ, luôn biết yêu thương và sẵn sàng phục vụ. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật này, là của lễ đem lại phúc trường sinh. Xin gia tăng lòng kính tin sùng mộ, giúp chúng con dâng thánh lễ này cho xứng đáng, hầu mưu ích cho cả trần gian. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Chúa dùng chay tịnh phần xác chế ngự nết xấu, nâng cao tâm hồn chúng con và ban sức mạnh cùng phần thưởng, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Nhờ Người, các Thiên thần ca ngợi, các Quản thần thờ lạy, các Quyền thần kính sợ uy linh Chúa, các tầng trời cùng với các đạo binh thiên quốc, và các thần sốt mến đồng hân hoan chúc tụng Chúa. Xin cho chúng con được đồng thanh với các Ngài thành khẩn tuyên xưng rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

Cúp điện bất ngờ là điều gây khó chịu.
Trong bóng tối, người ta đi tìm hộp quẹt, tìm ánh sáng
để thắp lên một ngọn nến, một cái đèn dầu.
Nói chung chẳng ai thích bóng tối,
vì bóng tối là dấu hiệu của lạc hậu, thiếu văn minh.
Ấy thế mà cũng có những người mê bóng tối.
Bóng tối của quán bia ôm, của karaokê, của sàn nhảy…
Phải bỏ tiền ra để mua được bóng tối.
Bóng tối đồng lõa, che đậy, lấp liếm, làm mặt nạ.
Bóng tối trong tâm hồn cần có bóng tối ở ngoài.
Nó sợ ánh sáng làm lộ chân tướng.
“Ánh sáng đã đến thế gian,
nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng,
vì các việc họ làm đều xấu xa”.
Ghét ánh sáng, chuộng bóng tối:
đó là thảm kịch nơi lòng con người,
bởi lẽ con người được sinh ra để sống cho ánh sáng.
Lắm khi người ta từ chối tin vào Ðức Kitô,
từ chối đến với ánh sáng và sự thật,
chỉ vì đời họ chìm trong bóng tối và giả trá.
Những lý do biện minh cho sự từ chối này
thường đến sau khi đã chọn lựa.
Cần thay đổi cuộc sống để tin hơn vào Thiên Chúa,
nhưng cũng cần can đảm đến với ánh sáng
dù biết mình đang chìm trong bóng tối;
hay đúng hơn, vì biết mình nô lệ cho bóng tối
mà ta khao khát vươn tới ánh sáng.
Ðừng trốn chạy ánh sáng như Ađam, Evà.
Hãy để cho ánh sáng vén mở chính mình,
bắt ta đối diện với sự thật trần trụi về mình,
để rồi ta được rực rỡ trong niềm vui.
Chỉ có một cách ra khỏi bóng tối
đó là trở lại với ánh sáng,
bằng cách ngước nhìn lên…
Dân Do Thái xưa trong sa mạc đã được chữa lành
nhờ tin tưởng nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ.
Ngày nay, chúng ta được cứu độ, được sự sống đời đời
nhờ tin tưởng nhìn lên Ðức Giêsu bị treo trên thập giá.
Thập giá là tột cùng của nhục nhã đớn đau,
nhưng cũng là biểu hiện tuyệt vời của một tình yêu.
Kitô hữu không phải là người tôn thờ đau khổ,
nhưng là người say mê tình yêu:
tình yêu của Cha khi trao ban người Con yêu dấu,
tình yêu của Con khi hiến tặng mạng sống mình.
Nhiều nơi đã đặt tượng Chúa phục sinh trên thập giá,
nhờ đó bầu khí nhà thờ tươi vui hơn.
Nhưng ta vẫn không được quên nhìn lên
thân xác bầm tím nát tan của Ðức Giêsu trên Núi Sọ.
Ước gì tôi biết nhìn lên tình yêu bị treo
và trở lại với ánh sáng
để ánh sáng đưa tôi vào sâu hơn trong tình yêu.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu
tạ ơn Chúa đã cho chúng con
ánh sáng mặt trời, mặt trăng,
và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.
Tạ ơn Chúa
vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.
Đó là vinh dự
và cũng là một trách nhiệm nặng nề.
Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối
của hận thù và bất công,
của buồn phiền và thất vọng.
Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa
mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,
và biết vâng theo những soi sáng của Chúa
qua từng phút giây của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối
vẫn còn tiếp diễn
trên thế giới và trong lòng chúng con.
Ước gì chúng con
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

TIN CẬY VÀO TÌNH YÊU CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai
tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”
(Ga 3,16)

*****

    Mùa chay là “Mùa tím của sám hối”, của hãm mình và hy sinh, nên tím mang nét buồn bã u sầu. Tuy nhiên, Công giáo không phải là đạo của bi quan, u sầu. Mùa chay còn là mùa của hy vọng. Hy vọng được ơn cứu thoát, hướng đến ngày Chúa cứu chuộc chúng ta. Vì thế, Chúa nhật hôm nay trong Mùa tím nhưng mang màu hồng của niềm vui: Niềm vui đón nhận tình thương cứu độ của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1: 2Sb 36,14-16.19-23

    Sách Sử Biên niên được xem là cuốn sách ghi vắn tắt lịch sử thánh của dân Chúa. Bài đọc II trích 2Sb 36,14-16.19-23 thuộc chương cuối của Sách Sử Biên niên. Đoạn sách này nằm trong phần nói về lịch sử của vương quốc Giuđa, từ thời Salômon băng hà đến thời lưu đày ở Babylon (chương 10-36), đặc biệt nằm trong phần nói về cuộc canh tân toàn diện đời sống dân Giuđa (chương 28-36). Đoạn này được xem là bản tóm lược lịch sử dân Chúa ở vương quốc phía Nam/ Giuđa, vì bất tín và sa đoạ nên dân bị trừng phạt bằng cuộc xâm chiếm của dân ngoại và phải đi lưu đày ở Babylon, nhưng kết thúc trong viễn ảnh được phục hồi.

    Vào cuối thời quân chủ, trong vương quốc Giuđa, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại và làm dơ bẩn Đền thờ Chúa (x. c. 14). Dù dân bất trung, nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc họ, vì Người hằng thương xót nên Người không ngừng gửi các sứ giả đến cảnh tỉnh họ (x. c. 15). Thế nhưng, dân Chúa không chịu hoán cải mà trở về với Người. Họ còn nhạo báng các sứ giả và tiên tri, coi thường lời Chúa, nên Người đã giáng cơn thịnh nộ lên dân Người (x. c.16). Hình phạt như là một điều cần thiết để họ nhận ra tội lỗi của mình mà ăn năn. Vì thế, Thiên Chúa đã để họ rơi vào tay quân ngoại bang, khiến Đền thờ, thành Giêrusalem, và các lâu đài dinh thự bị thiêu huỷ (x. c. 19). Ai còn sống sót lại bị đưa đi lưu đày, sống kiếp nô lệ ở Babylon (x. c. 20). Đó như một liều thuốc cực mạnh Thiên Chúa dùng để chữa trị căn bệnh “bất trung” trầm kha của dân, khiến họ biết lỗi mà quay trở về hầu được cứu.

    Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương dân Người khi họ biết lỗi mình và ăn năn. Người đã tác động vào tâm hồn vua Cyrô (nước Ba-tư) để vua này cho dân Israel được hồi hương. Họ trở về trong hân hoan để tái thiết Đền thờ, phục hồi đời sống tôn giáo và tái lập tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Thiên Chúa dìu dắt nâng niu dân, nhưng có khi đánh phạt rồi lại xót thương. Thiên Chúa làm mọi cách miễn sao dân thay đổi đời sống để hưởng ơn cứu độ Người ban, vì Người không muốn một ai phải hư mất.

2. Bài đọc 2: Ep 2,4-10    

    Bài đọc II trích thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêsô, tiếp nối tư tưởng của Bài đọc I, và đó cũng là các điểm chính yếu trong cứu độ học theo tư tưởng Thần học Phaolô:

    Trước hết, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi (xót thương): Người đã yêu thương chúng ta đến nỗi ngay cả khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người đã làm cho chúng ta cùng sống lại trong Ðức Kitô và cùng ngự trị trên Nước trời với Đức Giêsu Kitô (x. cc. 5-6). Kế đến, Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Giêsu Kitô (x. c. 7). Thêm vào đó, chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng của Thiên Chúa và nhờ đức tin của chúng ta, chứ không phải do việc chúng ta làm.

    Đây là giáo lý về cứu độ học của Phaolô: được cứu độ, được công chính hoá là ân sủng Thiên Chúa ban cách nhưng không cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta đón nhận ân sủng bằng việc tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, Cứu Chúa của chúng ta (x. Gl 2,16), và đáp lại ân sủng đó bằng việc thực thi bác ái, vì “đức tin hành động bằng đức ái” (Gl 5,6). 

3. Bài Tin mừng: Ga 3,14-21

    Đoạn Tin mừng hôm nay trích từ phần cuối của cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô (Ga 3,1-21). Trong cuộc đối thoại đó, Đức Giêsu đã khẳng định: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (c. 4) và “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (c. 5). Khi nghe như thế, ông Nicôđêmô thắc mắc: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được” (c. 9). Theo cách nhìn của loài người thì không thể xảy ra, nhưng dựa vào Tình thương cứu độ của Thiên Chúa thì có thể, điều căn bản là con người cần phải “sinh lại”, để đổi mới đời sống hầu xứng đáng đón nhận ơn cứu độ Chúa ban.

    Về phía Thiên Chúa, “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (c. 16). Đây là “sứ điệp Tin mừng” cốt lõi trong Tin mừng Gioan. Tình yêu của Thiên Chúa vượt qua hận thù để tha thứ, vượt lên trên cái chết để phục hồi sự sống và cho con người được sống muôn đời. Cách thế cứu độ của Thiên Chúa cũng khác với cách suy nghĩ của loài người: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời” (cc. 14-15).

    Câu chuyện này được trích trong bối cảnh sa mạc Sinai. Tại đó, dân bất trung, bất tín với Đức Chúa nên đã kêu trách và xúc phạm đến Người. Do đó, Đức Chúa đã để cho rắn độc hại dân. Nhờ đó, họ đã biết tội lỗi mình mà ăn năn, xin tha thứ. Đức Chúa đã cứu họ, bằng cách truyền cho ông Môsê làm một con rắn đồng và treo lên cây cột, để những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống (x. Ds 21, 5-9).

    Con rắn là thứ gây ra chết chóc, nhưng Đức Chúa đã dùng biểu tượng của sự chết chóc đó để cứu. Sự cứu thoát không đến từ con rắn, nhưng đến từ Đấng đã truyền treo con rắn lên, và nhờ vào lòng tin của con người vào Đấng có quyền cho dân được sống. Thập giá cũng thế. Thập giá là biểu tượng của sự chết, là biểu tượng mà người Do-thái coi là ô nhục và dân Hy-lạp coi là điên rồ, nhưng ơn cứu độ lại đến từ Đấng trao ban Người Con, và nhờ Người Con là “Con Người” (một trong các tước hiệu của Đấng Cứu Thế) được treo lên đó để chết thay mọi người. Hễ ai tin vào Con Người, tin Người có quyền năng cứu thoát và tin vào tình thương của Thiên Chúa thì sẽ được cứu độ.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Thiên Chúa đã luôn sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người,… sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người. Thiên Chúa tìm mọi cách để cứu chúng ta. Ngay cả khi dùng đau khổ hoạn nạn để cảnh tỉnh chúng ta, thì Người đánh phạt rồi lại xót thương, với mục đích giúp chúng ta nhận biết tội lỗi mình, ăn năn trở về với Chúa để được cứu. Chúa không muốn ai trong chúng ta hư mất, nhưng muốn mọi người được sống đời đời. Có khi nào tôi luôn kêu trách Chúa mà không than trách bản thân vì tội lỗi của mình?

2. Bởi ân sủng Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Chúng ta được cứu độ là nhờ ân sủng vô biên của Thiên Chúa, và chúng ta đáp lại bằng đức tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô. Để đáp lại ân sủng nhưng không của Chúa, chúng ta phải thể hiện đức tin đó ra bằng hành động bác ái, như Thánh Phaolô nói: “Đức tin hành động bằng đức ái” (Gl 5,6) và thánh Giacôbê nhấn mạnh: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).

    Trong Sứ điệp Mùa chay 2021, ĐGH Phanxicô nhắc chúng ta: “Tình yêu vui mừng khi thấy người khác lớn lên. Vì vậy nó đau khổ khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên mối liên kết chia sẻ và hiệp thông.”  Ngài cũng nói thêm: “Sống Mùa chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con”.

    Tôi có để cho tinh thần bác ái đổi mới cách nhìn để tôi có thể nhận ra phẩm giá, nét đặc trưng của từng anh chị em và tôn trọng họ, cũng như góp phần chung tay giúp đỡ người đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn?

3. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Thiên Chúa yêu và tìm mọi cách để cứu con người, miễn sao con người tin vào Con Một Chúa. Sứ điệp Mùa chay 2021 viết: “Trong suốt mùa sám hối này, chúng ta hãy làm mới lại đức tin của chúng ta, kín múc “nước hằng sống” của niềm hy vọng, và mở lòng đón nhận tình yêu Chúa là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên anh chị em trong Chúa Kitô,” và “Đức tin mời gọi chúng ta chấp nhận sự thật và làm chứng cho sự thật trước Thiên Chúa và trước toàn thể anh chị em mình”. Tôi có sẵn sàng làm chứng rằng Chúa yêu tôi và tôi tin vào Chúa qua cách hành xử của mình trong lối sống hằng ngày?

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận