♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Thứ ba tuần XXI TN (25/8)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

“Xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.”

2Tx 2, 17

Thánh Lu-y
Thánh Giu-se Ca-la-xan, linh mục

Lời nguyện nhập lễ

???? Bài đọc 1 (2 Tx 2,1-3a.14-17)

Anh em hãy nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca

 1 Thưa anh em, về ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này : 2 nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. 3a Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào.

 14 Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng chúng tôi loan báo mà kêu gọi anh em, để anh em được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. 15 Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ. 16 Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, 17 xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.

???? Đáp ca Tv 95,10.11-12a.12b-13 (Đ. c.13b)

Đ.Chúa ngự đến xét xử trần gian.

10Hãy nói với chư dân : Chúa là Vua hiển trị,
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,
Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.

Đ.Chúa ngự đến xét xử trần gian.

11Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật,
12aruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.

Đ.Chúa ngự đến xét xử trần gian.

12bHỡi cây cối rừng xanh,
13hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa,
vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo chân lý của Người.

Đ.Chúa ngự đến xét xử trần gian.

Tung hô Tin Mừng Hr 4,12

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Ha-lê-lui-a.

???? Tin Mừng (Mt 23,23-26)

Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

 23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng : “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. 24 Hỡi những kẻ dẫn đường mù quáng ! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.

 25 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả ! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. 26 Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.”

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Bông Hoa Cầu Nguyện: Inoruhana

???? Gợi ý suy niệm

Đức Giêsu đã từng nói về tám Mối Phúc trong Bài Giảng trên núi.
Trong chương này, Ngài sẽ nói với các kinh sư và nhóm Pharisêu bảy lần:
“Khốn cho các ngươi!”
Đây không phải là lời chúc dữ cho bằng là lời trách than, buồn tiếc,
vì những sự giả hình, che đậy nơi một số nhà lãnh đạo Do thái giáo.
Nhưng giả hình không phải chỉ là bệnh của một số kinh sư ngày xưa.
Nó là bệnh của những Kitô hữu trong Hội Thánh của Mátthêu sau năm 70.
Và nó cũng là bệnh của những Kitô hữu thuộc thế kỷ hai mươi mốt.
“Khốn cho các ngươi!” là một lời cảnh báo đối với chính bản thân tôi.
Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ tư (c. 23)
là bệnh quá tập trung vào điều phụ thuộc mà bỏ quên điều cốt yếu.
Có một số người Pharisêu bày tỏ sự đạo đức của mình
qua việc nộp thuế thập phân về những thứ rau lặt vặt họ trồng trong vườn.
Ba thứ rau thơm: bạc hà, thì là, rau húng, đúng ra không phải tính thuế,
vì chỉ phải nộp thuế về hoa lợi của vụ mùa, của vườn cây ăn trái thôi.
Nhưng có người đã nộp thuế về mọi thứ rau cỏ trong vườn (Lc 11, 42).
Thuế thập phân chỉ đòi nộp một phần mười sản phẩm nông nghiệp làm được,
để giúp việc thờ phượng Chúa trong Đền thờ và các người làm việc tại đó.
Đức Giêsu không cản chuyện nộp thuế về những điều lặt vặt (c. 23).
Ngài chỉ tiếc là những chuyện nặng ký hơn trong Lề Luật
như công lý, lòng nhân và thành tín, lại bị bỏ quên (c. 23).
Ba điều này đều được các ngôn sứ nhắc nhở (Is 1, 17; Hs 6, 6; Hb 2, 4).
Ngôn sứ Mikha đã viết một câu nổi tiếng (Mk 6, 8):
“Đức Chúa đòi anh em điều gì nếu không phải là sống theo công lý,
mến chuộng lòng nhân và khiêm hạ đi với Thiên Chúa của anh em.”
Có thể thái độ đạo đức giả bắt nguồn từ thói háo danh và sợ khó.
Nộp thuế dễ được người ta thấy hơn
và cũng khỏi phải hoán cải nơi bề sâu của lòng mình.
Tập trung vào những cái lặt vặt để khỏi phải áy náy về chuyện hệ trọng.
Làm tốt một chuyện nhỏ, nhưng lại làm hỏng một chuyện rất lớn.
Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ năm (c. 25)
là bệnh quá coi trọng cái bên ngoài mà coi thường cái bên trong.
Một số người Pharisêu loay hoay với chuyện lau sạch bên ngoài chén đĩa.
Họ sợ mình trở nên ô uế nếu sử dụng đồ chưa được rửa kỹ.
Tiếc thay, họ không để ý đủ đến sự nhơ uế bên trong tâm hồn.
Mà đó mới là thứ nhơ uế thật sự đáng quan tâm.
Có nguy cơ là sự sạch sẽ bên ngoài nhằm che đậy sự nhơ uế bên trong,
và đánh lừa cái nhìn của người khác, khiến họ lầm tưởng.
Thật ra trở về với lòng mình để nhận ra những ô nhơ, thật là điều khó.
Rửa tay trước khi ăn, rửa bát đĩa trước khi dùng, là điều dễ hơn nhiều.
Trở vào lòng mình, ta dễ bắt gặp bao tham lam, gian dối, thèm muốn vô độ.
Những điều ấy ta không muốn nhìn nhận có nơi mình.
Đức Giêsu mời chúng ta tìm kiếm sự tinh tuyền bên trong trước đã,
rồi mới để ý đến cái sạch sẽ bên ngoài sau (c. 26).
Xin Chúa cho chúng ta đừng bị đui mù, nhưng được sáng mắt (cc. 24. 26),
để biết phân biệt cái chính, cái phụ, cái trong, cái ngoài.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

???? Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

1 comment

  1. MẾN YÊU HẰNG NGÀY
    Thứ 3, 25-08-2020 (Mt 23,23-26)

    SUY NIỆM
    Đức Giê-su đã dùng dẫn chứng về thuế thập phân để cho họ thấy rằng họ đã lạc lối đến chừng nào. Thiên Chúa đã ra lệnh đóng thuế thập phân đối với những hoa trái lao động đầu tiên của từng người như một sự bày tỏ lòng biết ơn và kính phục đối với sự quan tâm phù hộ của Thiên Chúa dành cho dân Người (Đnl 14,22; Lv 27,30). Tuy nhiên các kinh sư bất chấp để đóng thuế thập phân trên cả những thứ tầm thường (chẳng hạn như những loại rau nhỏ nhặt) với sự chuẩn xác như toán học vậy. Họ quá lưu tâm đến những vấn đề vụn vặt, kém quan trọng, nhưng lại thờ ơ trong việc chăm sóc những người nghèo túng và đau khổ. Chúa Giê-su quở trách họ bởi lẽ trái tim họ dường như không được ngay thẳng. Lòng dạ của các kinh sư này chất đầy những sự kiêu ngạo và khinh thị những người không giống như mình. Họ chất những gánh nặng không cần thiết lên vai của người khác trong khi chính họ lại thờ ơ với các việc bác ái, đặc biệt là với những người nghèo khổ và yếu đuối.
    Các kinh sư và những người Pharisêu tuân giữ một cách tỉ mỉ các thói quen và bổn phận tôn giáo mang tính bề ngoài trong khi đó họ lại quên đi thực tế về những ý định và mục đích của Thiên Chúa là phục vụ cho lề luật, tình yêu và đức công chính (công bằng và tử tế). Chúa Giê-su sử dụng một dẫn chứng khá hài hước để chỉ ra những vấn đề bất cân xứng mà họ đã mắc phải. Những con muỗi được xem như là một loài côn trùng nhỏ bé nhất trong khi lạc đà là loài động vật được xem là khổng lồ nhất ở Palestin. Theo lễ nghi cả 2 loài vật này được xem là ô uế. Các kinh sư làm bất cứ điều gì để tránh tiếp xúc với những con muỗi, thậm chí họ cẩn thận quá mức đến nỗi phải dùng một miếng vải nguyên chất để lọc ly rượu trước khi uống vì họ e rằng mình sẽ tình cờ uống phải nó. Sự tương phản rõ ràng này hẳn là đã kéo theo những lời chê bai phản đối.
    Tình yêu Thiên Chúa hình thành nên suy nghĩ, giúp biến đổi con tim và hành động của chúng ta.
    Đâu là những điểm hài hước và quan trọng nơi bài học của Chúa Giê-su? Điểm trọng yếu của các điều răn Thiên Chúa đều được bén rễ nơi tình yêu – tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của tha nhân, đức công chính (công bằng, tử tế), và tình thương. Thiên Chúa là tình yêu và mọi sự Ngài tạo nên bao gồm cả sự công bằng, sự tốt lành. Tất cả đều phát xuất từ tình thương Ngài dành cho chúng ta. Tình yêu chân chính thì thật đáng quý và đáng tôn thờ, đó là lúc cả hai cùng nhau nắm lấy và gánh cho nhau những gánh nặng trên vai. Bạn có để cho tình yêu của Thiên Chúa uốn nắn và biến đổi suy nghĩ hằng ngày của bạn không? bao gồm những suy nghĩ về người khác, cách bạn nói về người khác và sự đối đãi của bạn dành cho họ?
    Lời của Chúa Giê-su mời gọi thanh luyện tâm hồn. Như một kết quả của việc tẩy rửa bên trong, vẻ bề ngoài nhờ đó mà trở nên sạch sẽ và lộng lẫy. Vậy đâu là nét đẹp khi trái tim một ai đó đã được tẩy rửa và thanh luyện đích thực, vẻ đẹp của tâm hồn đó không thể chỉ được chứa đựng bên trong, mà nó còn chiếu sáng cho nhiều người nhận biết được.

    Phản tỉnh: hãy suy ngẫm xem làm thế nào để nét đẹp của đời sống tâm hồn bạn được chiếu sáng một cách dễ dàng. Liệu người khác có nhận ra nó không? Trái tim bạn có chiếu sáng được không? Bạn có rạng rỡ không? Nếu không, bạn cần phải lắng nghe những lời Đức Giê-su đã nói với các ông Pharisêu. Bạn cũng có thể cần phải bị trừng phạt bằng tình thương và lòng thương xót để rồi chính bạn sẽ được thúc đẩy để đón nhận Đức Giê-su ngự vào tâm hồn và hoạt động bằng một phương pháp thanh luyện mạnh mẽ.
    —-//—–//—–
    Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
    Nguồn:
    http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/2019/aug27.htm
    https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-18-34/twenty-first-week-in-ordinary-time/

    Trả lời

Viết một bình luận