♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

PHONG TRÀO FOCOLARE

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Đặc sủng của phong trào Focolare Tổ Ấm

Phỏng vấn Đức Ông Piero Coda, Chủ tịch hiệp hội các thần học gia Italia về đặc sủng của Phong trào Focolari Tổ Ấm

 Lúc 2 giờ sáng ngày 14-3-2008 chị Chiara Lubich, sáng lập viên Phong trào Tổ Ấm, đã qua đời tại Trung tâm quốc tế của Phong trào ở Rocca di Papa, cách Roma 30 cây số, hưởng thọ 88 tuổi.

 Chị Chiara Lubich sinh ngày 22-1-1920 trong một gia đình sống ở tỉnh Trento, đông bắc Italia. Thân mẫu của chị rất đạo đức. Thân phụ theo khuynh hướng xã hội, nhưng vì cuộc khủng hoảng của đất nước nên thất nghiệp. Để có tiền trang trải học phí, ngay từ ngày còn trẻ Chiara đã dậy học tư. Năm 19 tuổi tại trung tâm thánh mẫu Loreto miền trung Italia, chị đã trực giác được ơn gọi của mình là khai sinh ra một cuộc sống mới trong Giáo Hội. Đó sẽ là phong trào ”Focolari – Tổ Ấm”, gồm nhiều cộng đoàn nhỏ quy tụ những người sống đời đồng trinh cũng như những người sống đời gia đình, nhưng hoàn toàn dấn thân phụng sự Thiên Chúa.

 Vào tháng 12 năm 1943 trong khi đi lo chuyện của gia đình, chị Chiara Lubich nhận ra tiếng Chúa gọi chị hoàn toàn hiến dâng cuộc sống cho Chúa một cách rõ ràng. Ít ngày sau đó mùng 7 tháng 12, trước sự hiện diện của một linh mục tại nhà nguyện các cha dòng Capucino, chị thưa lên hai tiếng “Xin Vâng” với Chúa. Năm đó chị mới 23 tuổi và chỉ có một mình khởi sự con đường của phong trào “Tổ Ấm”. Phong trào chính thức khai sinh từ ngày ấy.

 Trong thời thế chiến thứ II thành phố Trento quê hương của chị bị dội bom. Chị Chiara Lubich khám phá ra cảnh nghèo nàn vật chất và tinh thần của dân chúng thời chiến. Chị cùng các bạn gái đầu tiên làm việc trợ giúp dân nghèo trong các khu phố đổ nát vì chiến tranh và bắt đầu cuộc mạo hiểm tinh thần, với mục đích giải quyết vấn đề xã hội của thành phố. Mô thức các chị theo là cộng đoàn Kitô tiên khởi của Giáo Hội, trong đó không ai phải thiếu thốn gì. Trong căn hộ nhỏ nơi các chị ở, các chị để tất cả mọi sự các chị có chung với nhau ở giữa phòng, rồi phân phát chúng cho những người thiếu thốn. Cứ thế phong trào Tổ Ấm lớn dần theo dòng thời gian và trở thành một trong những phong trào quốc tế lớn và nổi tiếng nhất của Giáo Hội Công Giáo.

 Hiện nay phong trào có 150 ngàn thành viên dấn thân, sống tại 87 quốc gia và 5 triệu thành viên khác, kể cả tín đồ của nhiều Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác sinh hoạt với phong trào tại 182 quốc gia trên thế giới.

 Với dòng thời gian Phong Trào Tổ Ấm đã làm nảy sinh ra nhiều nhánh, tất cả đều được linh hoạt bởi cùng một đặc sủng hiệp nhất và yêu thương huynh đệ. Chúng gồm: ”Gia đình mới”, “Nhân loại mới”, “Người trẻ cho một thế giới hiệp nhất”, “Thiếu niên cho sự hiệp nhất”. Bên cạnh đó là phong trào giáo xứ và giáo phận, cũng như Phong trào các tu sĩ nam nữ quy tụ các nam nữ tu sĩ thuộc nhiều dòng tu khác nhau.

 Đối với tất cả, cá nhân cũng như cộng đoàn và phong trào, phương pháp đối thoại được áp dụng giữa các thành phần khác nhau của Giáo Hội Công Giáo, cũng như giữa các thành phần của các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác nhau. Gốc rễ đó cũng đã thúc đẩy các thành viên phong trào Tổ ấm khai sinh ra các dự án mới trong lãnh vực chính trị và kinh tế như “Phong trào chính trị cho sự hiệp nhất” thành lập năm 1996, rộng mở cho các người dấn thân trên nhiều bình diện khác nhau thuộc các đảng phái khác nhau. Nền tảng của phong trào là ”tình huynh đệ như phạm trù chính trị lo cho thiện ích chung”. Thế rồi tình huynh đệ và tương trợ cũng là động lực chính của Phong trào “Kinh tế hiệp thông”, do chị Chiara thành lập năm 1991 tại Sao Paolo, trong chuyến viếng thăm Brasil. Mục đích trước mắt là tạo dựng các xí nghiệp hữu hiệu, sánh đôi với việc trợ giúp các thổ đân và với nền văn hóa cho đi và yêu thương. Đây là một nền kinh tế mới đích thật hiện phối hợp 754 hãng xưởng trên thế giới: 468 tại Âu châu, trong đó có 235 hãng xưởng Italia, 209 tại Mỹ châu Latinh, 38 tại Bắc Mỹ, 33 tại Á châu, 4 tại Phi châu và 2 tại Australia. Một vài hãng xưởng hiện nay là các xí nghiệp sản xuất các sản phẩm chuyên biệt rất nổi tiếng như Spartaco bên Brasil, Lionello tại Firenze Italia, và Solidaridad bên Argentina.

 Bên cạnh các dự án làm men trong xã hội, phong trào Tổ Ấm còn thành lập các “citadelle – thành phố nhỏ” bao gồm nhà ở, trung tâm phục vụ, sinh hoạt sản xuất và nơi phụng tự. Hiện có 35 thành phố, mỗi thành phố có sắc thái riêng. Điển hình như Lopiano là thành phố được thành lập năm 1964 tại Firenze gồm 800 người thuộc 70 quốc gia sinh sống. Linh hồn của Lopiano cũng như Monet bên Thụy Sĩ là tính cách quốc tế. Trong khi Ottmaring bên Đức là thành phố có sắc thái đại kết giữa công giáo và tin lành, hay Welwyn Garden City bên Anh quốc là thành phố đại kết giữa Công giáo và Anh giáo; thành phố tại Tagatay bên Phi Luật Tân là thành phố đối thoại liên tôn. Ngoài ra còn có ba thành phố đặc biệt cho các vấn đề xã hội bên Brasil; thành phố O’Higgins bên Argentina dành cho giới trẻ; thành phố gần New York và Krizevci bên Croatia dành cho các nhóm chủng tộc; thành phố Fontem bên Camerun dành cho vấn đề hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa; thành phố Rotselaar bên Bỉ dành cho tương quan giữa con người và môi sinh.

 Bên trong các thành phố cũng có các trung tâm đào tạo xã hội và tinh thần cho các thành viên phong trào. Thế rồi còn có các trung tâm gọi là ”Mariapolis thành phố của Mẹ Maria”, là 63 trường đào tạo và cầu nguyện hiện diện tại 46 nước trên thế giới, trong đó có 8 trung tâm tại Italia, cộng thêm trung tâm Mariapolis quốc tế ở Castel Gandolfo. Sau cùng còn có trung tâm nghiên cứu liên nghành là “Trường Abba”, quy tụ các giáo sư dấn thân đề ra các đường lối của một nền văn hóa được đặc sủng hiệp nhất soi sáng.

 Ngoài ra phong trào còn có sinh hoạt ấn loát như nhà xuất bản Città Nuova hiện diện tại 35 quốc gia trên thế giới; nguyệt san ”Kinh Thành Mới” xuất bản tại 37 nước trong 22 thứ tiếng khác nhau; nguyệt san văn hóa “Nhân Loại Mới”; nguyệt san ”Hiệp nhất và đặc sủng” và nguyệt văn văn hóa ”Thế Hệ Mới” bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Sau cùng là các trung tậm sản xuất băng hình ”Thánh nữ Chiara” và ”Charisma”.

 Trong điện tín gửi Linh Mục Oreste Basso, Đồng chủ tịch của phong trào Tổ Ấm, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho biết ngài xúc động khi hay tin chị Chiara đã kết thúc ”cuộc sống dài và phong phú, ghi dấu tình yêu không mệt mỏi đối với Chúa Giêsu bị bỏ rơi. Đức Thánh Cha gần gũi với toàn Phong Trào Tổ Ấm do chị thành lập và tất cả những ai đã qúy chuộng sự dấn thân liên lỉ của chị để xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội, cuộc đối thoại đại kết và tình huynh đệ giữa tất cả mọi dân tộc. Đức Thánh Cha cám tạ Chúa vì chứng tá cuộc sống xả thân của chị trong việc lắng nghe các nhu cầu của con người thời nay, trong sự trung thành tràn đầy đối với Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha phó thác linh hồn chị cho lòng lành của Thiên Chúa để Ngài đón nhận chị vào lòng, và ngài cầu chúc tất cả những ai đã quen biết và gặp gỡ chị cùng cảm phục các điều kỳ diệu Thiên Chúa đã hoàn thành qua nhiệt tình truyền giáo của chị, bước theo chân chị bằng cách duy trì đặc sủng của phong trào.

 Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Ông Piero Coda, Chủ tịch hiệp hội các thần học gia Italia, về đặc sủng của Phong trào Focolare Tổ Ấm.

Hỏi: Thưa Đức Ông, chị Chiara Lubich có phải là một hạt giống đã chết để tái sinh hay không?

Đáp: Chắc chắn rồi, chị đã khai sinh ra một trào lưu canh tân tinh thần, văn hóa và xã hội to lớn trong cuộc sống của Giáo Hội thời đại chúng ta. Sự ra đi của chị là triều thiên của một cuộc sống ngoại thường, đồng thời đó là hạt lúa rơi xuống lòng đất, kết hiệp với Chúa Giêsu mà trong vài ngày tới đây chúng ta sẽ cử hành cái chết và sự sống lại. Chắc chắn là sự ra đi của chị mở ra một khung cảnh mới đối với sự hiện diện và hoạt động của Phong Trào Tổ Ấm, và mở đầu cho một giai đoạn có các hoa trái phong phú, với các biên giới mới trong sự trung thành với đặc sủng của sự hiệp nhất, mà Chúa Thánh Thần đã rộng ban cho chị Chiara và chị đã làm chứng dọc dài mấy thập niên qua.

Hỏi: Đức Ông đã nói là sẽ có các hoa trái khác. Vì từ thời thế chiến thứ II tới nay đã có các hoa trái rồi, chúng ta hãy nghĩ tới biết bao nhiêu tổ ấm được thành lập đó đây trên thế giới. Các hoa trái đó diễn tả cái gì trong cuộc sống của Giáo Hội ngày nay thưa Đức Ông?

Đáp: Phần đóng góp đặc thù của chị Chiara được gói ghém trong đặc sủng của sự hiệp nhất mà Giáo Hội đã thừa nhận là hiện hữu trong cuộc sống của của chị và trong hoạt động của công trình do chị thành lập, đó là công trình của Đức Maria. Chị Chiara đã đem lại một trào lưu canh tân tinh thần ngoại thường. Tôi chỉ xin nói một cách đơn sơ rằng chị đã mời gọi chúng ta sống Tin Mừng không có các lời chú giải, nghĩa là sống tình yêu thương của Thiên Chúa với tất cả linh hồn, trí khôn và sức lực, để đáp trả lại tình yêu thương mà Thiên Chúa có đối với chúng ta nơi Đức Giêsu, và yêu thương tha nhân như chính mình, dù người đó là bất cứ ai. Sự đơn sơ và triệt để đó của Tin Mừng là trọng tâm của sự mới mẻ, mà chị Chiara đã đem lại và chính chị đã biết phân chia cho mọi người thuộc đủ mọi thành phần xã hội, nam nữ, giả trẻ, các gia đình, các người của Giáo Hội Công Giáo, các thành viên của các Giáo Hội Kitô và các người của các tôn giáo khác. Nói cách khác, đó là thế giới của tất cả những ai được chị lôi cuốn vào trong lý tưởng của sự hiệp nhất ấy.

Hỏi: Tất cả những điều này có hơi hướng gì của tinh thần Phanxicô hay không thưa Đức Ông, vì chị lấy tên là Chiara, nhưng trên thực tế tên của chị là Silvia cơ mà?

Đáp: Chị Chiara đã là người khởi đầu một phong trào canh tân tinh thần có gốc rễ trong nền tu đức xa xưa của Giáo Hội. Chị đã tự đào tạo mình theo hai trường học tinh thần lớn: trường học Phan Sinh, vì ban đầu chị Chiara thuộc dòng Ba Phan Sinh; và trường học của Phong trào Công Giáo Tiến Hành, mà chị Chiara tích cực tham gia. Đó là hai trường học tinh thần mà chị Chiara khi còn là thiếu nữ đã gia nhập và kín múc từ từ với sức mạnh ngày càng trong sáng. Điều mới mẻ đó là sự đánh động của Thần Khí mới, của một đặc sủng chưa từng có, ban đầu được thừa nhận bởi Giám Mục bản quyền rồi được Giáo Hội hoàn vũ thừa nhận.

Hỏi: Còn có một khía cạnh khác trong nền tu đức của Phong Trào Tổ Ấm: đó là Tin Mừng sống. Nó có nghĩa là gì thưa Đức Ông?

Đáp: Nó có nghĩa là đến với Lời Chúa được trao ban cho chúng ta trong Kinh Thánh, được Giáo Hội giải thích dọc dài các thế kỷ. Nó có nghĩa là đến gần Lời Chúa để cho Lời Chúa nuôi dưỡng cuộc sống chúng ta, không phải chỉ là của ăn tinh thần mà thôi, mà để cho Lời Chúa soi dẫn bước đi, nghĩa là linh hứng cho con đường đời của chúng ta, cho việc phục vụ trong Giáo Hội và trong thế giới, trong cuộc sống gia đình, trong dấn thân văn hóa. Tin Mừng sống có nghĩa là trở thành men, trở thành muối của sự hiện diện Kitô trong cuộc sống thời đại chúng ta, như Công Đồng Chung Vaticăng II đã dậy.

Hỏi: Thưa Đức Ông, các sáng lập viên các phong trào lớn trong Giáo Hội ngày nay là người gốc Italia. Trong tư cách là thần học gia, Đức Ông giải thích sự kiện này như thế nào?

Đáp: Trước và sau Công Đồng Chung Vaticăng II Giáo Hội Công Giáo đã có một thời điểm lớn cho việc hăng say dấn thân và tái trao ban sinh khí cho cuộc sống qua các vị sáng lập các phong trào lớn, đâm rễ sâu trong các kinh nghiệm và truyền thống Kitô rất phong phú. chẳng hạn chị Chiara Lubich là người gốc thành phố Trento đông bắc Italia, nghĩa là một vùng có kinh nghiệm cuộc sống Kitô sâu xa và rất sống động. Nó như là dấu chỉ cho thấy cuộc sống Giáo Hội là một thân đại thụ có rễ sâu hàng ngàn năm, và vì thế có khả năng làm nảy sinh ra các mầm giống luôn luôn mới mẻ và không thể nào ngờ trước được.

(Avvenire 15-3-2008)
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/53241.htm

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

1 comment

Viết một bình luận