♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Chúa Nhật V Mùa Chay (17/3)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó

Ga 12, 26
Dẫn vào thánh lễ

Lịch sử Dân Thiên Chúa có thể nói như quy hướng về giây phút cứu độ, giây phút giao ước giữa Thiên Chúa với loài người đạt tới cao điểm của nó, giây phút mà thánh sử Gioan gọi là “Giờ của Chúa Giêsu”, giờ hạt lúa đã gieo sắp thối đi: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Kính thưa cộng đoàn dân Chúa,

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về giờ cứu độ đó, để chuẩn bị tâm hồn đón nhận Giao Ước Mới, giao ước muôn đời mà Thiên Chúa ký kết với loài người qua cái chết của Chúa Giêsu.

Bài đọc I cho thấy giao ước này sẽ được ghi trong tâm khảm mỗi người. Chúa sẽ xóa bỏ mọi tội lỗi của ta và tỏ rõ bộ mặt thương yêu, hiều dịu của Người. Chúa Giêsu, như bài đọc II mô tả, đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu để trở nên căn nguyên cứu độ đời đời cho chúng ta.

Vì thế Lời Chúa mời gọi chúng ta theo Chúa Giêsu làm hạt lúa chết đi, để sinh bông trái thiêng liêng là phần rỗi linh hồn. Chúng ta hiệp dâng thánh lễ, xin cho được nên hạt lúa chết đi, để được sống lại hưởng phúc muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết noi gương Người, tận tình yêu thương mọi anh em. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thưở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (Gr 31,31-34)

Ta sẽ lập một giao ước mới, và không còn nhớ đến lỗi lầm của dân Ta nữa.

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a

 31 Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, 32 không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của Đức Chúa. 33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. 34 Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.

🌸 Đáp ca Tv 50,3-4.12-13.14-15 (Đ. c.12a)

Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.

3Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
4Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.

12Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
13Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.

14Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;
15đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,
ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.

Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.

🌸 Bài đọc 2 (Dt 5,7-9)

Đức Ki-tô đã học biết thế nào là vâng phục, và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu.

Bài trích thư gửi tín hữu Do thái

 7 Thưa anh em, khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; 9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.

Tung hô Tin Mừng Ga 12,26

Chúa nói rằng: Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.

🌸 Tin Mừng (Ga 12,20-33)

Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

 20 Khi ấy, trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. 21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” 22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. 23 Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! 24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.

 27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” 29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm!” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!” 30 Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. 31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! 32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” 33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Chúa Giêsu dạy chúng ta phải chết cho chính mình, khước từ tội lỗi, thống hối và làm lại cuộc đời. Vậy chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và cùng hiệp ý cầu nguyện:

  1. Xin cho Các Giám mục, Linh Mục, và Phó tế luôn sống khiêm tốn, ngay lành, và quảng đại cống hiến thời giờ sức lực để phục vụ Chúa và tha nhân, đồng thời trân quý ơn kêu gọi mình đã lãnh nhận, hầu luôn trung thành với Chúa trong từng giây phút của ngày sống. Chúng con cầu xin Chúa.
    Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
  2. Xin cho các nhà lãnh đạo quốc gia, những người nắm giữ quyền hành trong các tổ chức xã hội, có một tấm lòng lương thiện, sẵn sàng từ bỏ những toan tính ích kỷ thu lợi cho riêng mình, để giúp người dân có cuộc sống yên bình hạnh phúc. Chúng con cầu xin Chúa.
  3.   Xin cho các anh chị em dấn thân rao giảng Tin Mừng đang phải gánh chịu những nghịch cảnh, bắt bớ gièm pha và tù tội, được ơn cam đảm và luôn xác tín rằng, qua sự đau khổ đó, Tin Mừng sẽ được sinh nhiều hoa trai. Chúng con cầu xin Chúa.
  4. Thập giá là con đường dẫn đến vinh quang. Xin cho mỗi người chúng ta biết mau mắn đón nhận thập giá hằng ngày mà Chúa gửi đến, qua những hy sinh hãm mình trong việc giữ đạo và sống đạo nơi đất khách quê người, cố gắng diệt trừ những tính hư nết xấu nơi bản thân, để cuộc đời chúng ta mãi luôn đi trong đường lối của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con là conc ái Chúa, được thấm nhuần đạo lý đức tin; giờ đây, xin cũng thương nhận lời chúng con khẩn nguyện và dùng lễ tế này thanh tẩy tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Vì Chúa ban cho các tín hữu hằng năm được hân hoan đón chờ mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn đã được thanh tẩy, để khi nhiệt tâm thi hành việc đạo đức và bác ái, nhờ năng chịu các bí tích mà được tái sinh, thì các tín hữu đạt tới sự viên mãn của ơn làm con Chúa.

Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa được phúc kết hợp với mình và máu Đức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những chi thể sống động của Người     Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

“Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất, mà không chết đi
thì nó vẫn trơ trọi một mình.
Còn nếu nó chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt”
Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên khi nghe câu trên.
Ðó là luật tự nhiên chi phối cây cỏ,
nhưng lắm khi tôi thấy khó áp dụng cho mình.
Tại sao tôi phải chết để người khác được sống?
Chết để sinh nhiều bông hạt ư?
Nhưng nhiều bông hạt có ích gì, khi chính tôi bị tan vỡ?
Chính vì thế tôi không muốn chết như hạt lúa.
Tôi chấp nhận trơ trọi một mình.
Tôi cô đơn với tôi, để được yên ổn.
Tôi sợ mất mát, vì mất mát đem lại đớn đau,
nên tôi tìm đủ cách để giữ lại những gì tôi có, những gì tôi là.
Tiếc thay, lúc giữ được tất cả
tôi lại thấy mình mất tất cả,
vì mất ý nghĩa của cuộc sống.
Tôi như con thú chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình.
Dần dần qua những kinh nghiệm đau thương,
tôi mới nhận ra rằng: chỉ có một cách giữ chặt,
đó là buông ra và trao hiến.
Tôi bắt đầu được khi chấp nhận mất.
Sự sống đời đời đã bắt đầu, hạnh phúc đã hé nụ
ngay lúc này, ngay ở đây, cho tôi.
Như con ốc sên, chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ,
tôi chỉ giàu có và triển nở mọi mặt
khi quảng đại ra khỏi lớp vỏ của mình,
ra khỏi những bận tâm, tính toán, xây đắp cho mình,
để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa.
Lời kinh Hòa Bình lại vang vọng trong tôi:
“Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh,
chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”
Nhưng hiến thân, quên mình, hy sinh, từ bỏ,
đón lấy cái chết như hạt lúa vùi sâu,
những điều đó đã làm chính Ðức Giêsu dao động.
“Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến
Thầy biết nói gì đây?
Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này chăng?
Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.” (c. 27)
Ðã có những giây phút giằng co, ngần ngại,
đã có những cuộc chiến Vườn Dầu ở trong tôi.
Nếu tôi kiên trì tỉnh thức và cầu nguyện,
tôi sẽ thắng được nỗi sợ bị thua thiệt, mất mát.
Sau nhiều lần dám liều mất tất cả
để rồi ngỡ ngàng thấy mình được lại quá nhiều,
tôi sẽ dễ dàng chọn cái mất trước mắt
như con đường dẫn đến cái được vĩnh hằng.
Xin Ðức Giêsu bị đóng đinh kéo tôi lên với Ngài,
kéo tôi lên khỏi đất, kéo tôi ra khỏi tôi.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng
chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống
đã âm thầm chịu nát tan
để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.
Có bao điều tốt đẹp
chúng con được hưởng hôm nay
là do sự hy sinh quên mình của người đi trước,
của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng,
của ông bà, cha mẹ, thầy cô,
của những người đã nằm xuống
cho quê hương dân tộc.
Đã có những con người sống như hạt lúa,
để từ cái chết của họ
vọt lên sự sống cho tha nhân.
Nhờ công ơn bao người,
chúng con được làm hạt lúa.
Xin cho chúng con
đừng tự khép mình trong lớp vỏ
để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình,
nhưng dám đi ra
để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.
Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.
Để chọn tha nhân và Thiên Chúa,
chúng con phải chết cho chính mình.
Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua
đi từ cõi chết đến nguồn sống,
đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở
trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân. Amen.

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Học Hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

VÂNG PHC BẰNG TÌNH YÊU ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ

“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;
và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn,
Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9)

I. CÁC BÀI ĐỌC

    Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh về chủ đề vâng phục bằng tình yêu để được cứu độ. Chính trong sự vâng phục Lề luật của Thiên Chúa bằng tình yêu xuất phát từ con tim mà dân Israel được thứ tha tội lỗi, và cũng chính nhờ sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa bằng tình yêu mà Đức Giêsu đã đem lại ơn cứu độ cho con người.

1. Bài đọc I (Gr 31,31-34)

    Bài đọc I đề cập việc Thiên Chúa sẽ thiết lập một Giao ước mới thay thế cho Giao ước cũ. Trong quá khứ, khi dân Israel ra khỏi miền đất nô lệ của Aicập để tiến về miền tự do là Đất hứa, Thiên Chúa đã ký kết với dân một Giao ước ở Núi Sinai qua trung gian Môsê. Giao ước Sinai được gọi là Lề luật/Torah, được khắc ghi trên hai bia đá, với những lời cam kết của hai phía. Theo đó, Israel sẽ là dân riêng của Thiên Chúa, là một vương quốc tư tế, một dân thánh, còn Thiên Chúa sẽ là Chúa của Dân, với điều kiện họ phải trung thành phụng sự Người là Chúa Tể duy nhất của họ (x. Xh 19–24).

    Đó được xem là Giao ước tình yêu, vì có tương quan hai chiều: Thiên Chúa yêu con người nên thiết lập Giao ước để con người đi đúng đường lối mà được thứ tha tội lỗi mà sống hạnh phúc, và con người phải tuân giữ Giao ước bằng tình yêu đáp lại tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, dân Israel đã không trung thành với Giao ước này khi nhiều lần bất tuân với những gì họ đã cam kết với Thiên Chúa. Hậu quả là Thiên Chúa đã trừng phạt họ, khi để họ bị quân thù đến tàn phá đất nước và dân chúng phải đi lưu đày ở Babylon.

    Trong bối cảnh như thế, ngôn sứ Giêrêmia loan báo rằng Thiên Chúa sẽ tha thứ tội ác cho dân Israel và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ nữa để ký kết với họ một Giao ước mới. Thay vì khắc trên bia đá như trong Giao ước cũ, Lề luật và đường lối của Thiên Chúa trong Giao ước mới này sẽ được khắc sâu vào lòng dạ của dân Israel. Qua đó, Thiên Chúa muốn Dân thiết lập với Người một tương giao không phải bằng việc giữ Luật hời hợt bên ngoài, nhưng tận trong tâm khảm để họ nhận biết Người chính là Chúa Tể của họ. Nhờ đó, Israel biết sống một tinh thần mới, đó là vâng phục đường lối của Thiên Chúa qua sự vâng phục đích thực bằng tình yêu bên trong tâm hồn, để đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

2. Bài đọc II (Dt 5,7-9)

    Bài đọc II nhấn mạnh việc Đức Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha để thực hiện chương trình cứu độ. Sự vâng phục này được thể hiện qua việc Đức Giêsu sẵn lòng chịu khổ nạn đến mức chịu chết và chết trên thập giá ô nhục để cứu độ loài người.Người đã vâng phục đến mức hy sinh mạng sống vì yêu mến Chúa Cha và yêu thương chúng ta. Qua cuộc khổ nạn và chịu chết của mình, Đức Giêsu đã làm cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Từ đó, Đức Giêsu lại trở nên “nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”. Vâng phục thiên ý đến mức chịu đau khổ và hy sinh mạng sống mình cho người khác không phải là điều dễ. Ngay cảĐức Giêsu ‘Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục

    Mẫu gương hoàn hảo của Đức Giêsu cho chúng ta nhiều bài học về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Vâng phục, bằng cách tuân giữ các huấn lệnh và thánh chỉ của Thiên Chúa, nhất là có lúc phải chịu thiệt thòi, đau khổ, thậm chí phải hy sinh mạng sống là điều không hề dễ. Vì thế, chúng ta cũng phải theo gương Đức Giêsu, đó là phải trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào là vâng phục. Bên cạnh, đau khổ có khả năng thanh luyện và thánh hoá con người, và có trải qua đau khổ, người ta mới có thể được biến đổi và thanh luyện, nhờ đó được cứu độ, nên thánh và hưởng phúc vinh quang (x. Lc 24,28).

3. Bài Tin mừng (Ga 12,20-33)

    Bài Tin mừng thuật lại việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem trong tư cách Đấng Mêsia để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa vì “giờ đã đến”, đó là “giờ khổ nạn và chịu chết” nhưng cũng đồng nghĩa với “giờ được tôn vinh” (Ga 12,23). Trong tư tưởng thần học của Gioan, lúc Đức Giêsu vâng phục thánh ý Chúa Cha để chịu khổ nạn và chết “treo trên thập giá” là khi Đức Giêsu “được tôn vinh” và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người (x. Ga 13,31), vì chính khi đó chương trình của Thiên Chúa đã được thực hiện trọn vẹn. Đức Giêsu đã diễn tả mối liên hệ giữa khổ nạn và chịu chết chôn trong lòng đất với cuộc tôn vinh qua hình ảnh hạt lúa sẽ bị chết đi khi gieo vào lòng đất để trổ sinh hoa trái. Chính Đức Giêsu đã chấp nhận khổ nạn treo trên thập giá, chết đi và chôn vào lòng đất vì tội lỗi của con người, rồi sống lại vinh quang để trao ban cho con người sự sống vĩnh cửu.

Mặc dù luôn làm theo ý Chúa Cha trong mọi sự, nhưng đứng trước cuộc khổ nạn, tâm hồn Đức Giêsu cũng xao xuyến và Người muốn thoát khỏi giờ này. Tuy nhiên, Người đã vâng phục trọn vẹn thánh ý Chúa Cha vì biết rằng: “chính vì giờ này mà Người đã đến” (x. Ga 12,27). Đó là “giờ” tôn vinh, đó là giờ cứu độ. Quả thật, khi treo trên thập giá, chính lúc đó là giờ Đức Giêsu được tôn vinh và mọi kẻ tin cũng được tôn vinh với Người: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,33).

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Vì yêu dân Israel, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với họ, nhưng dân lại không chung thủy với tình yêu đó khi không tuân giữ Giao ước. Cũng vì yêu, Thiên Chúa quên đi lỗi lầm của dân để thiết lập Giao ước mới. Thiên Chúa cũng đã thiết lập với mỗi người chúng ta một Giao ước tình yêu khi chúng ta chịu Phép rửa. Vậy chúng ta sống Giao ước với Thiên Chúa như thế nào trong đời sống của chúng ta? Giao ước tình yêu này có thực sự khắc sâu vào trong tâm hồn của chúng ta giúp chúng ta xác tín rằng: chúng ta là những người đã thuộc về Chúa chứ không thuộc về thế gian, bằng việc sống và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa qua lối sống Tin mừng?

2.  “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Chúng ta có biết rằng sống vâng phục thiên ý không phải là một điều dễ, nên chúng ta phải học hỏi gương của Đức Giêsu sao cho có một ý chí kiên vững và sự nỗ lực mãnh liệt với ơn Chúa giúp, để vượt qua ý riêng, sẵn sàng đón nhận các biến cố vui buồn xảy ra trong cuộc sống thường ngày hay không?

3. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Hình ảnh này giúp người Kitô hữu cảm nhận được ý nghĩa cứu độ của cuộc khổ nạn và chịu chết mà Đức Giêsu đã trải qua: chết để được sống lại và trao ban sự sống muôn đời cho mỗi người chúng ta.   Chúng ta có ý thức rằng chết là lúc “sinh thì”, sự chết là cửa dẫn vào sự sống muôn đời, như các thánh đã cảm nhận “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (thánh Phanxicô Assisi)? Chúng ta có dám cùng đau khổ và cùng chết với Đức Giêsu Kitô để được cùng sống muôn đời và được tôn vinh với Người? Ngoài ra, chúng ta có nhận ra rằng để đem lại sự sống đời đời cho người khác, chúng ta cũng phải chấp nhận tình trạng “hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi” hay không?

4. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại giáo huấn của Thông điệp Fratelli Tutti: “Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn h của họ được tôn trọng và do đó được thực sự h nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187). Con Thiên Chúa đã hạ mình trong thân phận phàm nhân, để cứu chuộc và phục hồi phẩm giá làm con cái Thiên Chúa cho con người. Chúng ta có ý thức mình được mời gọi đi theo con đường tình yêu của Đức Giêsu, biết quên mình và sống cho người khác, vì “ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất” còn ai “quên mình là lúc gặp lại bản thân” (thánh Phanxicô Assisi)?

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận