♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Chúa Nhật V Thường Niên (4/2)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Sáng sớm, Người đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện

Mc 1, 35
Lời nguyện nhập lễ

🌸 Bài đọc 1 (G 7,1-4.6-7)

Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.

Bài trích sách Gióp

1 Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói :

Cuộc sống con người nơi dương thế
chẳng phải là thời khổ dịch sao ?
Và chuỗi ngày lao lung vất vả
đâu khác gì đời kẻ làm thuê ?
2Tựa người nô lệ mong bóng mát,
như kẻ làm thuê đợi tiền công,
3cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng,
số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.
4Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm : “Khi nào trời sáng ?”
Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi : “Bao giờ chiều buông ?”
Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.
6Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa,
và chấm dứt, không một tia hy vọng.
7Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho,
cuộc đời con chỉ là hơi thở,
mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

🌸 Đáp ca Tv 146,1-2.3-4.5-6 (Đ. x. c.3a) 

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

1Hãy ca ngợi Chúa đi !
Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào !
Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy !
2Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem,
quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

3Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
những vết thương, băng bó cho lành.
4Người ấn định con số các vì sao,
và đặt tên cho từng ngôi một.

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

5Chúa chúng ta thật là cao cả,
uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường !
6Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy,
bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen.

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

🌸 Bài đọc 2 (1 Cr 9,16-19.22-23)

Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

16 Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng ! 17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công ; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.

19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. 22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. 23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

Tung hô Tin Mừng Mt 8,17

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Mc 1,29-39)

Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

Sốt không phải là một bệnh nan y.
Nhưng người bị sốt cao không dậy nổi, chỉ nằm thôi.
Khi Ðức Giêsu và các môn đệ đến thăm nhà ông Simon
thì bà mẹ vợ ông đang sốt, nằm trên giường.
Ðức Giêsu đem niềm vui đến cho gia đình ông.
Ngài lại gần, nhẹ nhàng cầm lấy tay bà và nâng dậy.
Cơn sốt lui ngay khiến bà có thể đi lại phục vụ.
Một cơn bệnh đơn giản, một cách chữa bệnh đơn giản.
Ðức Giêsu chẳng nói một lời, chỉ làm một cử chỉ thân ái.
Ngài cầm lấy tay bà và nâng dậy,
như sau này Ngài cầm tay đứa con ông trưởng hội đường,
một cô bé mười hai tuổi đã chết lại đứng dậy được (x. Mc 5,41),
như sau này Ngài cầm tay cậu bé bị động kinh nằm trên đất,
nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (x. Mc 9,27).
Cầm tay, nâng dậy, để một người nằm có thể đứng lên.
Sức sống nào truyền qua cử chỉ cầm tay ấy?
Quyền năng nào nâng con người trỗi dậy?
Chúng ta cũng cần được Chúa cầm tay khi không dậy nổi,
cần được Chúa đưa tay ra nắm lấy khi gần chìm như Phêrô.
Khi mặt trời lặn là lúc kết thúc ngày sabát.
Người ta đem đến cho Ðức Giêsu bao người yếu đau đủ loại.
Căn nhà ông Simon hẹp quá khiến nhiều người phải đứng ngoài.
Không rõ bao nhiêu người được chữa lành chiều tối hôm đó.
Nhiều người đã có thể tự về nhà một mình…
Ðức Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại.
Ngài không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi,
chỉ mong cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa.
Thế giới hôm nay vẫn phải đối đầu với bệnh tật.
Những bệnh nan y như ung thư, tim mạch, sida (aids), siêu vi…
Cần có những người làm vơi nhẹ nỗi đau như Ðức Giêsu.
Sau một ngày bận bịu và mệt mỏi,
Ðức Giêsu đã thức dậy sớm, khi các môn đệ còn ngủ say.
Ngài tìm được một chỗ cầu nguyện khá kín đáo.
Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Ðức Giêsu.
Ngài cần có thời gian rút lui, sống riêng tư một mình.
Ngài cần sống bên Cha, tâm sự về gánh nặng công việc,
về nỗi đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan.
Ðức Giêsu thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ,
cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng.
Ngài cần gặp Cha vì Ngài là Con, và vì Ngài được Cha sai.
Ngài sống hết mình cho con người, cho đám đông,
nhưng Ngài cũng say sưa cầu nguyện và hoạt động.
Cầu nguyện đưa Ngài đến với con người,
hoạt động đưa Ngài đến với Cha.
Thành công ở Caphácnaum không làm Ngài dừng chân.
“Mọi người đang tìm Thầy”, mọi người vẫn cần Thầy.
Nhưng Ngài biết còn nhiều chỗ khác cũng đang rất cần.
“Hãy đi nơi khác”, Tin Mừng cần được gieo vãi ở mọi nơi.
Giữ được tính tự do và cơ động, Ðức Giêsu lại lên đường.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng,
xin dạy chúng con thinh lặng
để ở một mình với Ngài,
trò chuyện, lắng nghe
và thấm nhuần Lời hằng sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt,
biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,
biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,
để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,
để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi,
để biết ca tụng Chúa
và đem lại an vui cho muôn người,
tránh mọi lời nói gây đớn đau, đổ vỡ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,
để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.
Cuối cùng
xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,
để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét,
để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên mọi sự. Amen.

(theo Thánh Têrêxa Calcutta)
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊSU:
CẦU NGUYỆN – RAO GIẢNG – TRỪ QUỶ – CHỮA LÀNH

“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng!” (1Cr 9,16)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. BÀI ĐỌC I: G 7,1-4.6-7

Trong bối cảnh đầy đau khổ vì phải đối diện với một sự mất mát đến cùng cực của Gióp: toàn bộ sản nghiệp của ông bị tiêu tan bởi cướp bóc và tai ương; toàn bộ con cái của ông trở thành nạn nhân bởi một trận cuồng phong bất ngờ ập đến. Trong một tâm trạng ‘không còn gì để mất’, tác giả sách Gióp muốn trình bầy những cái nhìn đa chiều xoay quanh vấn đề đau khổ qua những mẩu đối thoại hay độc thoại của Gióp với ba người bạn của ông.

Bài đọc I là đoạn trích những lời trần tình của Gióp sau khi đã lắng nghe những chia sẻ của Êliphad, người bạn lớn tuổi nhất, nên cũng được cho là khôn ngoan nhất, khi ông này luận bàn về việc thưởng phạt.

Đối với Gióp, sự đau khổ đang ngập tràn nơi tâm hồn đã khiến ông có một cái nhìn về cuộc sống của con người nói chung cũng như cuộc sống của ông nói riêng đầy vẻ bi quan. Gióp tự hỏi: có phải đời là một thời khổ dịch, hay đời là một chuỗi lao lung vất vả tựa kiếp sống của kẻ làm thuê? Ông nhìn đời sống con người như ‘nô lệ mong bóng mát… làm thuê đợi tiền công’. Khi nhìn vào cuộc đời của chính mình lúc ấy, Gióp cho rằng đó chỉ là ‘những đêm đau khổ ê chề: vừa nằm xuống đã hỏi khi nào trời sáng, vừa thức dậy đã mong bao giờ chiều buông’ hay chỉ là sự kéo dài của những cơn mê sảng… thấm thoát tựa thoi đưa và chấm dứt không một tia hy vọng.

Gióp đã kết thúc những lời trần tình ấy bằng một tâm tình dâng lên Đức Chúa về cuộc đời của chính ông: đó chỉ là hơi thở và chẳng còn thấy đâu bóng dáng của hạnh phúc.

Tinh thần đầy bi quan và ảm đạm của Gióp về mọi điều đang diễn ra nơi cuộc sống của ông như muốn dẫn độc giả đi đến một nan đề: Thiên Chúa ở đâu khi con người bất lực trước sự dữ? (x. G 1,12).

2. BÀI ĐỌC II: 1Cr 9,16-19.22-23

Có thể nói đây là một lời trần tình của thánh Phaolô về việc rao giảng Tin mừng. Việc rao giảng Tin mừng, đối với thánh nhân, là một điều cần thiết bắt buộc phải làm. Hay nói cách khác, đây là một nhu cầu sống còn của người được kêu gọi làm tông đồ (x. 1Cr 9,2). Từ nền tảng ấy, thánh Phaolô nhận ra phần thưởng của mình chính là: 1/ Được rao giảng Tin mừng – khi đem Phúc âm biếu không;  2/ Không hưởng quyền lợi mà Phúc âm dành cho.

Để đạt được phần thưởng trên, nghĩa là làm cho nhiều người được nhận biết Phúc âm, thánh Phaolô đã chấp nhận trả bằng mọi giá: 1/ Từ bỏ thân phận tự do để trở nên kẻ nô lệ của mọi người; 2/ Trở nên yếu với những người yếu để thu phục họ; 3/ Trở nên mọi sự cho tất cả mọi người hầu cứu độ được một số người.

Thánh nhân xác tín rằng: ‘Như thế tôi làm mọi sự vì Phúc âm ngõ hầu trở nên người dự phần của Phúc âm.’

3. BÀI PHÚC ÂM: Mc 1,29-39

Thánh Marcô trình bày phần tiếp theo của những công việc trong một ngày sống của Đức Giêsu. Sau khi cùng với các môn đệ vào hội đường tại Capharnaum nhân ngày Sabat để giảng dạy và chữa người bị thần ô uế nhập (x. Mc 1,21-28). Rời khỏi hội đường, lập tức Chúa Giêsu đến nhà ông Simon và Anrê. Ở đó Chúa chữa nhạc mẫu ông Simon hết sốt (x. Mc 1,29-31). Chiều đến Chúa chữa cho nhiều người (x. Mc 1,32-34). Sáng sớm Chúa đến nơi hoang vắng và cầu nguyện (x. Mc 1,35-39).

Cùng với đoạn phúc âm liền trước Mc 1,21-28, có thể tóm kết lịch sinh hoạt của Chúa Giêsu trong một ngày ‘mẫu’ tại Capharnaum như sau: Sáng: giảng dạy và trừ quỷ – Chiều: chữa lành –  Sáng sớm: cầu nguyện.

Qua đó, thánh sử Marcô như muốn cho thấy sứ vụ của Đức Giêsu xoay quanh mấy hành động chính: loan báo Tin mừng – xua trừ ma quỷ – chữa lành mọi bệnh tật – gắn bó với Chúa Cha qua cầu nguyện.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. ‘Cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ’. Những tai ương kinh hoàng liên tiếp ập tới trên cuộc đời của Gióp đã khiến ông không khỏi bi quan. Nhưng điều ấy lại giúp ông nhận thức rõ những nét khác về cuộc đời mà lúc giàu có ông thật khó có thể nhận ra. Đó là cuộc đời thật chóng qua như hơi thở, hạnh phúc có lúc trở nên thật mong manh. Và nhiều khi đau khổ còn làm cho con người rơi vào tình trạng chán nản và vô vọng. Cơn cám dỗ của Gióp cũng là cơn cám dỗ của mỗi Kitô hữu khi không lý giải được vấn nạn về đau khổ của cuộc sống hôm nay.

2. ‘Rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm’. Đối với vị Tông đồ dân ngoại, việc rao giảng Tin mừng là vấn đề sống còn, là một bổn phận mà chính mình buộc mình phải thực hiện. Thánh nhân dám đánh đổi tất cả chỉ để cho một việc là rao giảng Tin mừng. Phần thưởng đối thánh Phaolô là không một đòi hỏi và không nhận bất cứ một lợi lộc nào. Đây cũng chính là chuẩn mực cho mỗi Kitô hữu khi muốn bắt chước Phaolô trở nên những người tôi tớ của công cuộc loan báo Tin mừng.

3. ‘Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật… Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó’. Chữa lành mọi người và sống gắn bó với Chúa Cha qua cầu nguyện là hai công việc mà Chúa Giêsu thực hiện mỗi ngày trong suốt hành trình sứ vụ. Việc chữa lành người khác cũng chính là sứ vụ của mỗi Kitô hữu hôm nay. Những suy nghĩ, lời nói, hành động tích cực của mỗi người đều trở nên những phương thế giúp chữa lành mọi người. Việc tạo ra một ‘bầu khí sa mạc’ giữa những tất bật và ồn ào của đời thường cũng sẽ giúp người tín hữu có thể gặp gỡ được Chúa.

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận