♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới lần thứ 25 (2021)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

 Thánh Luca nói với chúng ta rằng ông Simeon “đang trông đợi niềm an ủi của dân Israel” (Lc 2,25). Lên Đền thờ khi Đức Maria và Thánh Giuse đang đưa Chúa Giêsu đến đó, ông đã ôm Đấng Mêsia vào lòng. Người đã nhận ra nơi Hài Nhi đó ánh sáng chiếu đến dân ngoại là một người đàn ông lớn tuổi đã kiên nhẫn chờ đợi việc Chúa thực hiện những lời hứa của Ngài.

 Sự kiên nhẫn của Simeon. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn sự kiên nhẫn của vị bô lão đó. Cả đời ông, ông đã chờ đợi, thực thi sự kiên nhẫn của con tim. Trong lời cầu nguyện của mình, ông Simeon đã học được rằng Thiên Chúa không đến trong những sự kiện bất thường, nhưng hoạt động giữa sự đơn điệu nhàm chán trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, trong nhịp điệu thường xuyên buồn tẻ của các hoạt động của chúng ta, trong những điều nhỏ nhặt mà chúng ta đạt được với sự bền đỗ và khiêm tốn, trong nỗ lực của chúng ta để làm theo thánh ý Ngài. Khi kiên trì nhẫn nại như thế, ông Simeon đã không mệt mỏi theo thời gian. Giờ đây ông đã là một ông già, nhưng ngọn lửa nhiệt tình vẫn cháy sáng trong tim ông. Trong cuộc đời dài đằng đẵng của mình, chắc chắn đã có lúc ông bị tổn thương, bị thất vọng, nhưng ông không mất hy vọng. Ông Simeon đã tin tưởng vào lời hứa, và không để bản thân bị tiêu hao bởi sự hối tiếc về những khoảng thời gian đã qua hoặc cảm giác thất vọng có thể đến khi chúng ta đến gần buổi hoàng hôn của cuộc đời mình. Niềm hy vọng và sự trông đợi của ông được thể hiện qua sự kiên nhẫn hàng ngày của một người đàn ông, bất chấp mọi thứ, vẫn luôn tỉnh thức, cho đến khi “chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ” mà Chúa đã hứa (x. Lc 2,30).

 Tôi tự hỏi mình: Simeon học được sự kiên nhẫn như vậy ở đâu? Tôi nghĩ rằng nó được sinh ra từ sự cầu nguyện và lịch sử dân tộc của ông, vốn luôn thấy nơi Chúa “một Thiên Chúa nhân hậu và nhân từ, chậm bất bình và dư dật tình yêu kiên vững và trung tín” (Xh 34: 6). Ông nhận ra Chúa Cha, Đấng, ngay cả khi đối mặt với sự từ khước và bất trung, không bao giờ từ bỏ, nhưng vẫn “kiên nhẫn hết năm này sang năm khác” (xem Nkm 9:30), để không ngừng trao ra khả năng hoán cải.

 Vì thế, sự kiên nhẫn của Simeon là tấm gương phản chiếu sự kiên nhẫn của chính Thiên Chúa. Từ lời cầu nguyện và lịch sử dân tộc mình, Simeon đã học được rằng Thiên Chúa thực sự kiên nhẫn. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng với sự kiên nhẫn đó, Ngài “dẫn chúng ta đến sự ăn năn” (Rm 2: 4). Tôi thích nghĩ đến Romano Guardini, người đã từng nhận xét rằng kiên nhẫn là cách Chúa đáp lại sự yếu đuối của chúng ta và cho chúng ta thời gian cần thiết để hoán cải (xem Glaubenserkenntnis, Würzburg, 1949, 28). Hơn ai hết, Đấng Mêsia, là Chúa Giêsu, là Đấng mà ông Simeon ôm trong tay, cho chúng ta thấy sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, là Cha nhân từ, Đấng luôn kêu gọi chúng ta, cho đến giờ cuối cùng của chúng ta. Thiên Chúa, Đấng không đòi hỏi sự hoàn hảo, nhưng đòi chúng ta phải có lòng nhiệt thành, là Đấng mở ra những khả năng mới khi tất cả dường như mất. Ngài là Đấng muốn mở ra một đột phá trong trái tim chai cứng của chúng ta. Ngài là Đấng để cho hạt giống tốt mọc lên mà không cần nhổ hết cỏ lùng. Đây là lý do cho hy vọng của chúng ta: đó là Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi chờ đợi chúng ta. Khi chúng ta quay đi, Ngài đến tìm chúng ta; khi chúng ta ngã quỵ, Ngài nâng chúng ta lên; khi chúng ta quay trở lại với Ngài sau khi lầm đường lạc lối, Ngài chờ đợi chúng ta với vòng tay rộng mở. Tình yêu của Ngài không áp lực chúng ta theo não trạng tính toán của con người, nhưng hào phóng ban cho chúng ta can đảm để bắt đầu lại. Điều này dạy cho chúng ta tính kiên cường, và lòng can đảm để luôn có thể bắt đầu lại mỗi ngày. Hãy luôn luôn bắt đầu lại sau khi chúng ta vấp ngã vì Chúa luôn kiên nhẫn.

 Chúng ta hãy nhìn vào sự kiên nhẫn của chính mình. Chúng ta hãy nhìn vào sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và sự kiên nhẫn của ông Simeon khi chúng ta xem xét đời sống thánh hiến của chính mình. Chúng ta có thể tự hỏi sự kiên nhẫn thực sự liên quan đến điều gì. Chắc chắn nó không chỉ đơn giản là chịu đựng khó khăn hay thể hiện sự kiên định khi đối mặt với gian truân. Kiên nhẫn không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là sức mạnh của tinh thần giúp chúng ta “mang gánh nặng”, chịu đựng, gánh vác sức nặng của các vấn đề cá nhân và cộng đồng, chấp nhận những người có ý kiến khác với mình, kiên trì hướng thiện khi tất cả dường như đã mất, và để tiếp tục tiến lên ngay cả khi bị đè nặng bởi mệt mỏi và bơ phờ.

 Hãy để tôi chỉ ra ba “khung cảnh” mà sự kiên nhẫn có thể trở nên cụ thể.

 Đầu tiên là cuộc sống cá nhân của chúng ta. Đã có lúc chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa, và với lòng nhiệt thành và quảng đại hiến dâng mạng sống của mình cho Người. Trên đường đi, cùng với những lời an ủi, chúng ta đã có những chia sẻ về những thất vọng và chán nản. Đôi khi, công việc khó khăn của chúng ta không đạt được kết quả như mong muốn, những hạt giống chúng ta gieo dường như không kết trái đủ, lòng hăng hái cầu nguyện của chúng ta tàn lụi và chúng ta không phải lúc nào cũng tránh được sự khô cằn tâm linh. Trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là những người nam nữ được thánh hiến, có thể xảy ra rằng niềm hy vọng từ từ mất đi do những kỳ vọng không được đáp ứng. Chúng ta phải kiên nhẫn với chính mình và chờ đợi trong hy vọng thời gian và địa điểm của chính Thiên Chúa, vì Ngài luôn trung tín với những lời hứa. Đây là viên đá tảng: Ngài trung tín với những lời hứa của mình. Ghi nhớ điều này có thể giúp chúng ta tìm lại các bước của mình và hồi sinh những ước mơ, thay vì phó mặc cho nỗi buồn và sự chán nản nội tâm. Thưa anh chị em, trong chúng ta, những người nam nữ thánh hiến, nỗi buồn nội tâm là một con sâu, một con sâu ăn thịt chúng ta từ bên trong. Hãy trốn khỏi nỗi buồn nội tâm!

 Một khung cảnh thứ hai mà sự kiên nhẫn có thể trở thành cụ thể là đời sống cộng đồng. Tất cả chúng ta đều biết rằng các mối quan hệ của con người không phải lúc nào cũng êm đềm, đặc biệt là khi chúng liên quan đến việc chia sẻ một dự án cuộc sống hoặc một hoạt động tông đồ. Có những lúc xung đột nảy sinh mà không thể lường trước được giải pháp tức thời, và cũng chẳng có những đánh giá nhanh chóng. Thời gian là cần thiết để lùi lại, để gìn giữ hòa bình và chờ đợi một thời điểm tốt hơn ngõ hầu có thể giải quyết các tình huống trong đức ái và sự thật. Chúng ta đừng để cho mình bị xao xuyến trước những cám dỗ. Trong Sách Nhật Tụng, dành cho giờ Kinh Sách ngày mai, có một đoạn văn hay về sự phân định tâm linh của Diodochus thành Photice. Ông nói: “Một vùng biển yên tĩnh cho phép người đánh cá nhìn thấu tận đáy. Không con cá nào có thể trốn ở đó và thoát khỏi tầm mắt của anh ta. Tuy nhiên, vùng biển có bão sẽ trở nên âm u khi bị gió thổi mạnh”. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể phân định rõ ràng, để nhìn thấy sự thật, nếu lòng chúng ta bị kích động và thiếu kiên nhẫn. Không bao giờ. Các cộng đồng của chúng ta cần loại kiên nhẫn với nhau này: là khả năng nâng đỡ, nghĩa là, tự gánh trên vai mình cuộc sống của một trong những anh chị em của chúng ta, bao gồm cả những điểm yếu và thất bại của người ấy, tất cả những điều đó. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa không kêu gọi chúng ta trở thành nghệ sĩ độc tấu – chúng ta biết trong Giáo hội có rất nhiều người – chúng ta không được kêu gọi trở thành nghệ sĩ độc tấu mà là một phần của dàn hợp xướng mà đôi khi có thể bỏ sót một hoặc hai nốt nhạc, nhưng phải luôn cố gắng hát đồng thanh với nhau.

 Cuối cùng, khung cảnh thứ ba là mối quan hệ của chúng ta với thế giới. Ông Simeon và bà Anna ấp ủ hy vọng đã được các tiên tri tiên báo, mặc dù nó chậm được ứng nghiệm và phát triển một cách âm thầm giữa sự vô đạo và những tàn phá của thế giới chúng ta. Họ không phàn nàn những điều này sai trái ra sao, nhưng kiên nhẫn tìm kiếm ánh sáng chiếu trong bóng tối của lịch sử. Để tìm kiếm ánh sáng tỏa sáng trong bóng tối của lịch sử; để tìm kiếm ánh sáng chiếu trong bóng tối của chính cộng đồng của chúng ta, chúng ta cũng cần sự kiên nhẫn đó, để không rơi vào cái bẫy của sự phàn nàn ta thán. Một số người là bậc thầy về phàn nàn, tiến sĩ của việc ta thán, họ rất giỏi trong việc phàn nàn! Đừng, anh chị em, phàn nàn giam hãm chúng ta: quá thường chúng ta nghe những điều như “thế giới không còn lắng nghe chúng ta nữa” hoặc “chúng ta không còn ơn gọi nữa, vì vậy chúng ta phải đóng cửa nhà dòng”, hoặc “đây không phải là thời điểm dễ dàng”, “à, đừng nói với tôi!”. Và thế là cuộc song ca phàn nàn bắt đầu. Có thể xảy ra rằng cho dù Thiên Chúa kiên nhẫn vun xới mảnh đất lịch sử và trái tim của chúng ta, chúng ta vẫn tỏ ra thiếu kiên nhẫn và muốn đánh giá mọi thứ ngay lập tức: bây giờ hoặc không bao giờ, bây giờ, bây giờ, bây giờ. Bằng cách này, chúng ta đánh mất đức tính “nhỏ bé” nhưng cao đẹp nhất là hy vọng. Tôi đã thấy nhiều người nam nữ thánh hiến mất hy vọng, chỉ đơn giản là do thiếu kiên nhẫn.

 Sự kiên nhẫn giúp chúng ta có lòng thương xót trong cách chúng ta nhìn nhận bản thân, cộng đồng và thế giới của chúng ta. Trong cuộc sống của chính mình, chúng ta có đón nhận sự kiên nhẫn của Chúa Thánh Thần không? Trong cộng đồng của mình, chúng ta có chịu đựng lẫn nhau và làm rạng rỡ niềm vui của đời sống huynh đệ không? Trên thế giới, chúng ta có kiên nhẫn cung cấp sự phục vụ của mình hay đưa ra những phán xét khắc nghiệt? Đây là những thách đố thực sự đối với đời sống thánh hiến của chúng ta: chúng ta không thể cứ mãi mắc kẹt trong hoài niệm về quá khứ hoặc đơn giản là cứ lặp đi lặp lại những điều cũ kỹ hay những lời phàn nàn hàng ngày. Chúng ta cần kiên nhẫn và can đảm để tiếp tục thăng tiến, khám phá những con đường mới và đáp lại sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Và làm như vậy với sự khiêm tốn và giản dị, không cần phải tuyên truyền hay quảng cáo rầm rộ.

 Chúng ta hãy chiêm ngưỡng sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và cầu xin sự kiên nhẫn đáng tin cậy của ông Simeon và bà Anna. Bằng cách này, xin cho đôi mắt của chúng ta cũng có thể nhìn thấy ánh sáng của ơn cứu rỗi và mang ánh sáng đó đến với toàn thế giới, giống như hai người cao niên này đã làm trong bài tụng ca của họ.

Rôma, Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 2/2/2021
Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa vào Đền Thánh
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Nguồn: VietCatholic News
Bản văn gốc: XXV GIORNATA MONDIALE DELLA VITA CONSACRATA

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận