♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Thánh Êgiđiô Viện Phụ (1/9)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Thánh Ê-gi-đi-ô Viện phụ sinh vào khoảng năm 640 tại Athen, Hy-lạp. Ngài vốn là một thương gia thành đạt tại Athen. Nhưng rồi vào một ngày kia, Ê-gi-đi-ô đã bán tất cả những gì mà ông đang có, rồi lấy tiền phân phát cho người nghèo. Sau đó ông đi xuống một chiếc thuyền nhỏ do chính ông tự chế ra, rồi tự chèo chiếc thuyền đó với ý định sẽ đi tới một nơi rất xa. Sau cùng, ông đã cập bến tại Camargue ( tức khu vực nằm ở phía Nam Arles, Đông Nam nước Pháp, giữa biển Địa Trung Hải và hai nhánh sông ở vùng hạ lưu sông Rhône ngày nay). Ông lên bờ, và trước hết sống với tư cách là một Ẩn Sĩ ngay tại khu bờ biển Địa Trung Hải, giữa những vùng đầm lầy rộng lớn. Theo tương truyền, một con hươu cái đã dùng sữa của nó để nuôi sống vị Ẩn Sĩ này.

Sau đó Ẩn Sĩ Ê-gi-đi-ô đã bị trúng tên của vua Wamba – vua người Gott lúc đó -, trong lúc vị vua này đi săn và cố gắng bắn chết con thú của vị Ẩn Sĩ. Sở dĩ ông đã bị trúng tên là vì, trong một thị kiến, vị Ẩn Sĩ đã nhìn thấy mũi tên đang bay về hướng con vật, và vì muốn cứu nó, nên vị Ẩn Sĩ đã giơ mình ra để hấng mũi tên thay cho con vật. Nhưng dù sao thì vị Ẩn Sĩ cũng không hề hấn gì khi bị mũi tên đâm trúng. Vô cùng thán phục trước hành vi này của vị Ẩn Sĩ, nhà vua đã mời ông về triều đình và cho phép ông được thành lập một Đan Viện. Vì thế, vào năm 680, Ẩn Sĩ Ê-gi-đi-ô đã thành lập Đan Viện của mình và đặt tên là Đan Viện St-Gilles, cũng như trở thành Viện Phụ của Đan Viện này cho đến hết đời. Sau này, vào năm 1066, Đan Viện St-Gilles đã gia nhập Dòng Biển Đức và trở thành một Đan Viện dưới trướng của Cluny.

Tương truyền cho rằng, Viện Phụ Ê-gi-đi-ô đã làm cho con của lãnh chúa xứ Nîmes được sống lại. Sau đó, Viện Phụ Ê-gi-đi-ô đã tới Rô-ma. Tại đây, Đức Giáo Hoàng đã tặng cho Ngài một số gỗ bách để làm cửa cho các phòng trong Đan Viện của Ngài. Sau khi cầu nguyện, Ngài đã quăng số gỗ bách đó xuống sông Tiber. Khi Ngài về tới Đan Viện của mình thì số gỗ đó cũng trôi tới nơi.

Khi một Đan Sĩ trong Đan Viện của Ngài nghi ngờ về sự Đồng Trinh của Đức Maria thì Viện Phụ Ê-gi-đi-ô liền yêu cầu vị Đan Sĩ này viết ba câu hỏi của mình xuống nền cát. Sau khi ba câu hỏi được viết xong thì bỗng nhiên ba bông huệ trắng liền trổ ra ngay trên nền cát khô nóng, nơi vừa được viết ba câu hỏi trên đó. Và điều này được coi là câu trả lời của Viện Phụ Ê-gi-đi-ô cho đệ tử của mình.

Theo một số truyền thuyết khác thì Charlemagne đại đế đã cố thuyết phục Viện Phụ Ê-gi-đi-ô để Ngài nguyện giúp cầu thay cho mình. Bỗng nhiên một Thiên Thần mang đến một mẩu giấy, trên đó có ghi lời xác nhận về ơn tha thứ tội lỗi, và đặt tờ giấy đó trên bàn thờ, nơi Viện Phụ Ê-gi-đi-ô vừa cử hành Thánh Lễ. Kể từ đó, Thánh Ê-gi-đi-ô được coi là người bảo trợ cho việc cử hành Bí Tích Giao Hòa, và được kể vào trong số 14 vị Thánh chuyên cứu giúp con người.

Viện Phụ Ê-gi-đi-ô đã được báo trước cho biết giờ mình lìa bỏ cõi thế. Trong Thánh Lễ An Táng của Ngài, tất cả mọi người hiện diện đều nghe thấy tiếng ca hát của Ca Đoàn Thiên Thần đến rước linh hồn Ngài về trời.

Tuy nhiên, từ thế kỷ thứ IX, Viện Phụ Ê-gi-đi-ô mới được tôn kính như một vị Thánh. Sang thế kỷ thứ X, người ta mới thấy xuất hiện nhiều những câu chuyện và những truyền thuyết về đời sống của Thánh Ê-gi-đi-ô. Trong thế kỷ XI, Đan Viện St-Gilles do Thánh Ê-gi-đi-ô thành lập đã được sáp nhập vào Dòng Biển Đức. Kể từ đó, cả Đan Viện lẫn nhà thờ của Đan Viện này đều được mở rộng, và trở thành một trong những Đan Viện lộng lẫy nhất nước Pháp hồi đó. Mộ của Thánh Ê-gi-đi-ô trở thành một trong những điểm hành hương quan trọng nhất của Âu Châu lúc ấy, sau Rô-ma và Santiago de Compostela, tức nơi được cho là có mộ của Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ. Sỡ dĩ như thế là vì Đan Viện St-Gilles nằm ngay trên trục đường từ Rô-ma tới Santiago de Compostela, và nằm gần một thương cảng quan trọng. Trong cuộc thập tự chinh đầu tiên của mình, bá tước Raimond IV của Toulouse đã khởi hành từ cảng này.

Vào thế kỷ XVI, Đan Viện St-Gilles đã bị phá hủy trong những cuộc chiến tranh vì nạn đói. Hồi đó, các Đan Sĩ của Đan Viện này cũng bị sát hại. Tuy nhiên, các Thánh Cốt của Thánh Ê-gi-đi-ô vẫn tồn tại, và giờ đây đang được bảo quản và tôn kính tại Toulouse.

Tuy nhiên, các tài liệu do Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô II soạn thảo lại cho rằng, việc Đan Viện St-Gilles được thành lập vào năm 680 là điều giả tạo, vì không có những tài liệu đáng tin cậy về Thánh Ê-gi-đi-ô.

Còn tương truyền về việc Thánh Ê-gi-đi-ô được một con hươu cái nuôi dưỡng rất có thể bắt nguồn từ những chi tiết trong tên gọi của Ngài: tên của Ngài theo tiếng Hy-lạp là Aigigios, có nghĩa là Con Hươu Cái.

Dù vậy thì Thánh Ê-gi-đi-ô vẫn được ghi danh trong sổ bộ các Thánh của Giáo hội Rô-ma. Giáo hội mừng kính Ngài vào ngày mồng 01 tháng 09. Tại Châu Âu ngày nay, nhiều nơi vẫn còn coi ngày mừng kính Thánh Ê-gi-đi-ô là ngày lễ hội toàn dân.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist
(Nguồn: simonhoadalat)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận