♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Thứ sáu tuần II Thường Niên (20/1)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người,

Mc 3, 14
Lời nguyện nhập lễ

🌸 Bài đọc 1 (Dt 8,6-13)

Đức Giê-su là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn.

Bài trích thư gửi tín hữu Do thái

6 Thưa anh em, hiện nay vị Thượng Tế của chúng ta nhận được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn ; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn. 7 Thật vậy, giả như giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi, thì chẳng cần phải tìm giao ước thứ hai để thay thế. 8 Quả thật, Thiên Chúa khiển trách Dân rằng : Đức Chúa phán : Này sắp đến những ngày Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa. 9 Giao ước đó sẽ không như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông của chúng, trong ngày Ta cầm tay dẫn chúng ra khỏi Ai-cập. Bởi vì chúng đã không trung thành với giao ước của Ta, nên Ta cũng đã bỏ mặc chúng, Đức Chúa phán : 10 Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó, Đức Chúa phán : Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta ; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta. 11 Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng : “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. 12 Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.

13 Khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sắp tan biến đi.

🌸 Đáp ca Tv 84,8 và 10.11-12.13-14 (Đ. c.11a)

Đ.Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ.

8Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa,
và ban ơn cứu độ cho chúng con.
10Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa,
để vinh quang của Người
hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.

Đ.Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ.

11Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên.
12Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao.

Đ.Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ.

13Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc
và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.
14Công lý đi tiền phong trước mặt Người,
mở lối cho Người đặt bước chân.

Đ.Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ.

Tung hô Tin Mừng 

🌸 Tin Mừng (Mc 3,13-19)

Đức Giê-su gọi những kẻ Người muốn, để các ông ở với Người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

13 Khi ấy, Đức Giê-su lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người lập Nhóm Mười Hai gồm có : ông Si-môn -Người đặt tên là Phê-rô-, 17 ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, 18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, 19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Gợi ý suy niệm

Thông thường ở xã hội Do Thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo.
Còn Thầy Giêsu lại đi “gọi” học trò.
Thầy muốn lập một nhóm học trò ruột, hết sức gần gũi với mình.
Những người Thầy muốn, Thầy đã gọi họ lại.
Và họ đã đáp lời mà đến với vị Thầy đang ở trên núi.
Như thế sáng kiến thì bắt nguồn từ Thầy,
còn đáp lại là điều con người cần thực hiện.
Thầy Giêsu muốn lập một nhóm mười hai môn đệ.
Có thể vì Thầy nhớ đến mười hai chi tộc Ítraen ngày xưa.
Mục đích của nhóm Mười Hai này là ở với Thầy và được Thầy sai đi.
Ở với là chuyện ưu tiên, và cũng là chuyện dễ bị xao lãng.
Ở với là có tương quan thân thiết và thường xuyên với Thầy.
Ở với là chia sẻ cuộc sống ăn ở, đói no, thành công, thất bại.
Khi ở với Thầy Giêsu, người môn đệ hiểu Thầy sâu xa và gắn bó với Thầy.
Khi các môn đệ đến với và ở với Thầy Giêsu,
họ như được tách ra khỏi đám đông.
Sau này, khi tìm người thay thế Giuđa phản bội,
Phêrô đòi đó phải là người đã sống với Thầy Giêsu ngay từ đầu (x.Cv 1, 22).
Ở với nằm trong định nghĩa về người môn đệ của Thầy Giêsu.
Nhưng đó không phải là điểm dừng.
Ở lại với Chúa là để được sai đến với con người.
Được tách ra khỏi đám đông chính là để được sai đến với đám đông,
trong tư cách của người đã được mắt thấy tai nghe Thầy Giêsu.
Người môn đệ được sai sẽ được phép làm những việc y hệt như Thầy :
rao giảng Tin Mừng và trừ quỷ nhằm phục vụ cho con người.
Chẳng những họ làm việc như Thầy, họ còn làm việc của Thầy và với Thầy.
Không ở với thì cũng chẳng được sai đi, và cũng không đủ sức để được sai.
Nhưng ở với là để có ngày được sai đi, mà sai đi thì vẫn luôn ở với.
Kitô hữu là người được gọi, để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi.
Cuộc sống xao động hôm nay có vẻ làm ta quên ở với Chúa
và rơi vào tình trạng nghiện việc.
Chính vì thế công việc ta làm không đem lại hiệu quả thực sự và lâu bền.
Hãy ở với Giêsu mỗi ngày 15 phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.
(Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

🌸 Cầu nguyện

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

(Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

🌸 Mến yêu hằng ngày

 Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chọn các Tông Đồ, những người thân cận thiết thân của Ngài. “Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn.” Người Tông Đồ được trao phó sứ mạng không phải vì họ đã chọn Chúa, nhưng là Chúa chọn họ. Và “các ông đến với Người.” Đây là một lời mời gọi bao gồm việc ngỏ lời và sự đáp trả. Ngày nay Chúa vẫn đang ngỏ lời với chúng ta như vậy, nhưng liệu chúng ta có dám đáp trả như các Tông Đồ khi xưa không?

 Việc Chúa Giêsu gọi các Tông Đồ lên núi và chọn họ có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Sứ mạng rao giảng và trừ quỷ của các Tông Đồ chỉ bắt đầu sau khi họ lên núi theo lời mời gọi của Chúa Giêsu. Tại sao Ngài lại chỉ trao sứ mạng cho các ông sau khi đã kêu gọi họ lên núi?

 Ngọn núi biểu trưng cho chuyến hành trình của chúng ta đến với Chúa. Do vậy, “lên núi” nghĩa là chúng ta hướng lên Chúa. Và điều này cũng có nghĩa rằng chúng ta chỉ được “vũ trang đầy đủ” để ra đi và thực thi thánh ý Chúa sau khi chúng ta phải “đi lên” gặp Ngài trước.

 “Ngọn núi” mà chúng ta được mời gọi đi lên đầu tiên và trước hết đó chính là cầu nguyện. Hằng ngày chúng ta đều phải “lên núi” để gặp Ngài, tìm kiếm Ngài qua lối sống từ bỏ mình tận trong sâu thẳm. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài, nơi mà chỉ có một mình ta với Ngài mà thôi.

 Nếu không lên núi gặp Chúa, chúng ta sẽ chẳng được chuẩn bị đầy đủ để thi hành sứ mạng, sẽ chẳng đủ khả năng để mang tình yêu và lòng thương xót của Ngài đến cho thế giới đâu.

 Hôm nay bạn hãy dành thời gian để phản tỉnh về lời Ngài mời gọi bạn lên núi cầu nguyện cùng Ngài. Bạn hãy cố gắng đáp lại lời mời ấy để bạn cũng có thể được Ngài sai đi thi hành sứ mạng tình yêu trên trái đất này.

——//—–//——
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn:
https://livingspace.sacredspace.ie/o2026g/
https://mycatholic.life/…/second-week-in-ordinary-time/

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận