♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Thứ sáu tuần XXV TN (25/9)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”

Lc 9, 20
Lời nguyện nhập lễ

???? Bài đọc 1 (Gv 3,1-11)

Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời.

Bài trích sách Giảng viên

1Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :
2một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ;
3một thời để giết chết, một thời để chữa lành ;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ;
4một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;
một thời để than van, một thời để múa nhảy ;
5một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ;
6một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi ;
7một thời để xé rách, một thời để vá khâu ;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ;
8một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.

9 Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì ? 10 Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm. 11 Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.

???? Đáp ca Tv 143,1a và 2abc.3-4 (Đ. c.1a)

Đ.Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn.

1aChúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn,
2abcChúa là đồng minh, là đồn luỹ che chở,
là thành trì bảo vệ, là Đấng giải thoát tôi.
Chúa là khiên mộc cho tôi ẩn núp.

Đ.Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn.

3Lạy Chúa, con người có là chi, mà Chúa cần biết đến ?
Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải lưu tâm ?
4Ấy con người khác chi hơi thở,
vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu.

Đ.Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn.

Tung hô Tin Mừng 

???? Tin Mừng (Lc 9,18-22)

Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu đau khổ nhiều.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng : “Dân chúng nói Thầy là ai ?” 19 Các ông thưa : “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” 20 Người lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

22 Người còn nói : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

???? Gợi ý suy niệm

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).
Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông,
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?
“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.
Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

???? Cầu nguyện

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)

???? Mến Yêu Hằng Ngày

 Nhiều người Israel nhận biết Đức Giê-su là Đấng Quyền Năng đến từ Thiên Chúa và thậm chí so sánh Người với những vị ngôn sứ vĩ đại. Nhưng đứng trước những lời tung hô đó, thậm chí cả lời tuyên tín nhờ Thánh Thần của Phêrô, Đức Giê-su lại nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều” (Lc 9,22) và chịu chết để công trình cứu chuộc của Thiên Chúa được nên toàn vẹn. Đây có lẽ là một tin tức “giật gân” và thật khó hiểu, khó chấp nhận đối với các môn đệ. Đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa khác xa đường lối và tư tưởng của con người quá đỗi! (Is 55,8). Qua sự tự hạ, đau khổ và cái chết trên thập giá, Đức Giê-su đã phá tan quyền lực tội lỗi của kẻ thù là Satan, của sự gian dối và lừa đảo.

 Chính vì vậy, nếu chúng ta muốn thông phần vào vinh quang của Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta phải mang lấy thập giá của mình và đi theo đường lối của Người. Thập giá mà bạn và tôi đang phải gánh lấy mỗi ngày là gì? Đó là ngay cả khi ý tôi không giống với ý của Thiên Chúa, thì ý của Người vẫn phải được thực hiện. Biết Đức Giê-su là biết vinh quang của Người trên thập giá, từ nơi đó Người đã đánh bại tội lỗi và sự chết ngang qua sự phục sinh của Người. Thánh Thần ban tặng cho chúng ta đức tin để biết Chúa Giê-su một cách cá vị như là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, ban tặng cho chúng ta những khả năng để sống trung thành với Phúc Âm và lòng can đảm để làm chứng nhân về niềm vui, sự thật và tự do của Phúc Âm cho người khác.  Đối với bạn lúc này, Đức Giê-su là ai?

 “Lạy Chúa Giê-su, con tin và con tuyên tín rằng Ngài là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Xin nhận lấy cuộc sống, ý chí và mọi sự con có để con có thể thuộc trọn về Ngài, bây giờ và mãi mãi.

———-

Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/2018/sep28.htm

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận