♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Chúa Nhật XXV Thường Niên (24/9)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. 

Pl 1, 21
Dẫn vào thánh lễ

Các bài đọc hôm nay, trình bày cho chúng ta về lòng thương xót vô cùng lớn lao của Thiên Chúa đối với nhân loại. Khi tuyên bố: “Kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”, Chúa Giêsu muốn mọi người hiểu rằng chẳng ai có thể đòi Thiên Chúa phải trả công. Nhưng sở dĩ con người được ân thưởng chính vì Chúa muốn thi hành tất cả những gì Người đã hứa với con người trong giao ước cứu độ.

Bài đọc 1 nói cho chúng ta rằng: trời cao hơn đất bao nhiêu thì lòng từ bi của Chúa cũng cao hơn lòng nhân hậu của chúng ta bấy nhiêu. Ước gì mọi người chúng ta có thể quả quyết như thánh Phaolô trong Bài đọc 2: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”. Nghĩa là, không đố kị ghen tương, hận thù ích kỷ, nhưng luôn yêu thương giúp đỡ và cầu mong cho mọi người được hạnh phúc như chúng ta và hơn chúng ta.

Vì tất cả là “hồng ân” chứ không phải là “công lao, khó nhọc”. Tất cả đều do tình thương của Chúa ban cho chúng ta. Đó là tư tưởng chính của thánh lễ hôm nay.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

🌸 Bài đọc 1 (Is 55,6-9)

Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a

6Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp,
kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.
7Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo,
người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có
mà trở về với Đức Chúa – và Người sẽ xót thương -,
về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.
8Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta
– sấm ngôn của Đức Chúa.
9Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.

🌸 Đáp ca Tv 144,2-3.8-9.17-18 (Đ. c.18a)

Đ.Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người.

2Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
3Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.
Người cao cả khôn dò khôn thấu.

Đ.Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người.

8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
9Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Đ.Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người.

17Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
18Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.

Đ.Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người.

🌸 Bài đọc 2 (Pl 1,20c-24.27a)

Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê

 20c Thưa anh em, Đức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết : 21 vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. 22 Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. 23 Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng : ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần : 24 nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.

 27a Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô.

Tung hô Tin Mừng x. Cv 16,14b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa. Ha-lê-lui-a.

🌸 Tin Mừng (Mt 20,1-16a)

Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

 1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ : ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?’ 7 Họ đáp : ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !’ 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý : ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà : 12 ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ : ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?’ 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

Lời nguyện giáo dân

Chủ tế: Thiên Chúa công minh và giàu lòng nhân hậu, Ngài không ngừng mời gọi con người đến sống hạnh phúc trong tình thương của Ngài. Tin tưởng Chúa, chúng ta hợp ý dâng lời cầu nguyện:

  1. “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, ra thuê người làm vườn nho mình”. Xin cho Đức Thánh Cha, Giám Mục, Linh Mục, các Thầy phó tế là những người thợ vườn nho tại thế của Chúa, được ơn sức mạnh cả hồn lẫn xác, để các Ngài luôn can đảm, dũng mạnh bảo vệ vườn nho Chúa giao phó theo như lòng Chúa mong ước. Chúng con cầu xin Chúa.
    Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
  2. Nầy bạn, tôi không có xử bất công với bạn đâu”. Xin cho các nhà luật pháp có một lương tâm không gian dối, biết lắng nghe và phân định, để trước tòa án phân xử, luôn công bằng chính trực, hầu sự phán quyết mang lại cho tội nhân sự bình an để thi hành án. Chúng con cầu xin Chúa.
  3. Hãy gọi những người làm thuê, mà trả tiền công cho họ, từ người làm sau, đến người làm trước” Xin cho những người nghèo luôn được trả công xứng đáng với công việc nặng nhọc hằng ngày mà họ phải cố gắng làm để kiếm cơm gạo cho gia đình. Chúng con cầu xin Chúa.
  4. “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho Ta, Ta sẽ trả công xứng đáng”. Xin cho mỗi người trong chúng ta luôn cảm nhận được lòng yêu thương của Chúa, để không ngừng cảm tạ Chúa, và luôn làm chứng cho Tình yêu của Chúa như Lời Chúa mời gọi chúng ta hôm nay. Chúng con cầu xin Chúa.
Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Vì lượng từ bi, Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã sai Ðấng Cứu Chuộc đến với chúng con. Người vô tội mà Chúa muốn Người sống như chúng con, để Chúa yêu thương nơi chúng con/ điều Chúa quý mến nơi Con Chúa. Nhờ sự vâng phục của Người, chúng con được phục hồi để lãnh nhận những ơn Chúa mà chúng con đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng.

Vì thế, lạy Chúa cùng với toàn thể Thiên thầnvà các thánh, chúng con tuyên xưng Chúa và hân hoan tung hô rằng:

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Đức Kitô nuôi dưỡng chúng con, xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện
Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

🌸 Học hỏi Lời Chúa (Ban MVPT)

VUI VỚI NGƯỜI VUI

 “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,15)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I: Is 55,6-9

Bài đọc I được trích trong phần cuối của sách Ngôn sứ Isaia đệ II (các chương 40-55), được gọi là sách An ủi Israel đang bị lưu đày ở Babylon. Đối mặt với đoàn dân đang gặp khủng hoảng đức tin, có tâm trạng chán chường và thất vọng trong thời gian bị lưu đày, tác giả sách Isaia đệ II lại có thái độ ngược lại khi đưa ra lời an ủi, động viên, khích lệ dân, và cho biết sắp đến ngày Thiên Chúa đến giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày.

Thiên Chúa ở thật gần dân, thấu hiểu dân, đang sẵn lòng lắng nghe những lời họ kêu cầu. Vì thế đây là thời gian thuận tiện nhất để tìm gặp Chúa và để bày tỏ tâm tư với Người. Cụ thể hơn, tác giả sách Isaia II đã kêu mời dân bày tỏ thái độ hoán cải cụ thể, đó là: ‘Kẻ gian ác hãy bỏ đường lối mình, người bất lương hãy bỏ tư tưởng mình’ mà trở về với Đức Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót và tha thứ gần gũi với con người bao nhiêu khi họ cần đến Chúa, thì con người lại cảm thấy Thiên Chúa lại trở nên xa vời và bí ẩn bấy nhiêu khi con người quay lưng lại, và nhất là khi họ không học cho biết cách hiểu đường lối của Người. Tác giả đã ví von sự khác biệt trong lối suy nghĩ và hành động giữa con người với Thiên Chúa: “Trời cao hơn đất chừng nào” thì đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn đường lối và tư tưởng của con người như vậy.

2. Bài đọc II: Pl 1,20c-24.27a

Sống và chết là hai thái cực nơi cuộc sống của con người. Thông thường ai cũng thích sống, sợ chết. Thế nhưng, trong bài đọc II trích thư gửi tín hữu Philípphê, thánh Phaolô biểu lộ một sự giằng co nội tâm giữa sống và chết theo chiều hướng ngược lại. Chết là phúc cho thánh nhân và sống thì có lợi cho cộng đoàn. Lúc đó, ngài giằng co giữa phần phúc của riêng cá nhân Phaolô là “ao ước chết để được ở với Đức Kitô thì tốt hơn bội phần” với việc sống để đem lại lợi ích cho cộng đoàn, vì “ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em”.

Thánh Phaolô đã chọn nguyên tắc này để phân định và chọn lựa, đó là: lấy Đức Kitô làm trung tâm cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Vì thế đối với ngài sống hay chết không thành vấn đề nữa, miễn sao quyền năng của Đức Kitô được tỏ hiện, Tin mừng được loan báo đến mọi người và ước mong “anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin mừng của Ðức Kitô”.

3. Bài Tin mừng: Mt 20,1-16a

Dụ ngôn về “Thợ làm vườn nho” hay còn gọi là dụ ngôn về “Ông chủ tốt bụng” mô tả cảnh quen thuộc trong đời sống sản xuất nông nghiệp thường nhật ở Palestine thời Đức Giêsu. Dụ ngôn diễn tả sự tự do của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ và đề cao lòng quảng đại đầy xót thương của Người qua hình ảnh ông chủ vườn nho, cũng như lên án thái độ không đúng mực của một số Kitô hữu qua hình ảnh các người thợ.

Trong dụ ngôn, có nhiều nhóm người làm khác nhau đang đứng chờ tại chợ nhân công đợi chủ thuê làm để được hưởng tiền công nhật. Có những người thợ được ông chủ gọi đi làm lúc sáng sớm, kẻ khác lúc ban trưa, người kia lúc xế chiều, thậm chí vào gần tối (Mt 20,1-6).

Lúc tan giờ lao động, ông chủ trả công mọi người như nhau: đều được “một quan tiền”. Điều này khiến những người vào làm từ sớm cằn nhằn, vì trách ông chủ bất công và ghen tức với người khác.

Ông chủ đã trách cứ những người cằn nhằn, vì họ có thái độ sai trái. Tại sao họ lại ghen tức với anh chị em mình? Họ không chấp nhận để cho người khác được hưởng ân huệ hay sao? Tại sao họ không thể chia sẻ niềm vui của người khác, khi mình chẳng mất gì?

Ông vẫn trả đủ cho họ theo thoả thuận, còn ông làm phúc cho ai thì tuỳ ý ông. Họ muốn sự “hợp lý” là vào sớm thì phải được trả nhiều, vào sau thì chỉ được trả ít, nhưng sao họ lại dám cản sự “hợp tình” của ông chủ khi ông thi ân giáng phúc trên người khác? Sao họ lấy tư cách của người làm thuê, để trách cứ quyền tự do định đoạt của cải của ông chủ? Ông có quyền làm thế, không phải do những người kia xứng đáng, nhưng vì ông tốt bụng mà thôi.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. ‘Trời cao hơn đất thế nào, thì tư tưởng của Ta cũng vượt trên tư tưởng của các ngươi thế ấy’. Nhiều lúc chúng ta khó hiểu biết tư tưởng cũng như đường lối của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình. Biết bao nhiêu câu hỏi đã được con người đặt ra cho Thiên Chúa: Tại sao? Thế nào?… Và dường như nhiều lần chúng ta không thể tìm được câu trả lời. Chắc chắc rằng nếu chúng ta quay lưng ngược hướng với Chúa thì càng đi, chúng ta càng xa Chúa. Có cách nào giúp chúng ta đi đúng đường lối và tới bến bờ hạnh phúc nếu chúng ta không tìm kiếm thánh ý Chúa, bỏ ý riêng và đặt ý mình vào trong ý Chúa?

2.Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết’. ‘Quy ngã’  hay ‘quy Kitô’ vẫn luôn là một giằng co gay gắt nơi mỗi người dẫu vẫn biết rằng: chỉ “quy Kitô” mới là cách duy nhất giúp vượt qua cơn khủng hoảng đức tin. Qua Chúa Kitô, chúng ta sẽ gặp được Chúa Cha, gặp được người khác và gặp lại đúng bản chất của chính mình. Chúng ta có định hướng cuộc sống ‘quy Kitô’, lấy Đức Kitô làm điểm tựa, làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình? Chúng ta có đặt lợi ích của Đức Kitô, của anh chị em lên trên lợi ích của bản thân trong đời sống đạo?

3. ‘Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? Ghen tức là một trong Bảy mối tội đầu. Vì ghen tức nên không muốn ai hơn mình. Ghen tức là tỏ ra khó chịu, bực mình, thậm chí oán ghét với người khác vì những thành công của họ. Tại sao mình lại ghen tức với người không hề làm gì ảnh hướng đến mình, và mình cũng không mất công mất của gì cho họ? Mặt khác, trong cuộc sống, con người dễ dàng chia buồn, khi người anh chị em mình gặp đau khổ, khó khăn hay thử thách, nhưng lại khó chia vui khi anh chị em mình gặp may mắn, sung sướng hay hạnh phúc hơn mình. Chúng ta có cằn nhằn ngầm trách Thiên Chúa bất công và ghen tức với người khác khi họ được ân lộc Chúa ban? Chúng ta có dám sẵn sàng lan toả niềm vui của mình và chia vui với người khác để “niềm vui chia sẻ, niềm vui lớn”?

🌸 Gợi ý suy niệm

Sau khi anh thanh niên giàu có từ chối lời mời của Đức Giêsu
ông Phêrô đã đại diện anh em hỏi Thầy:
“Chúng con đã bỏ mọi sự và theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”
Thầy Giêsu đã đáp lại bằng một câu trả lời khá dài.
Họ sẽ được xét xử các chi tộc Ítraen, được gấp trăm về mọi sự,
và nhất là được hưởng sự sống đời đời (Mt 19, 27-30).
Như thế ở đây Nước Trời được coi như một phần thưởng,
một sự trả công Chúa dành cho những ai dám từ bỏ hy sinh.
Các môn đệ cho đi, và rồi họ sẽ được lại.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau câu chuyện trên.
Dưới một góc độ nào đó thì cả hai có nội dung rất khác nhau,
nhưng bổ túc cho nhau, để ta có một cái nhìn quân bình về Thiên Chúa.
Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng công bằng,
thưởng công cho những gì chúng ta đã vất vả cố gắng.
Người còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.
Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” cho thấy điều đó.
Thật ra phải gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về “Ông chủ độ lượng”.
Trong thế giới thời Đức Giêsu, người ta mướn thợ buổi sáng
và trả công cho thợ buổi chiều theo lề luật (Lv 19,13; Đnl 24, 14-15).
Lương công nhật là một quan tiền (denarius),
tiền này tạm đủ để nuôi gia đình ở mức căn bản.
Dụ ngôn hôm nay có nhiều nét khác thường mà không có lời giải thích.
Ông chủ vườn nho tự mình ra chợ mướn người, thay vì viên quản lý.
Những người thợ đứng suốt ngày ngoài chợ (c.6)
lại không được ông chủ thấy và mướn từ đầu, dù ông ra chợ nhiều lần.
Chỉ nhóm thợ đầu tiên mới được thuê với tiền công rõ ràng,
còn ba nhóm sau chỉ được hứa sẽ trả “hợp lẽ công bằng” (c.4).
Cuối cùng ba nhóm giữa bị bỏ rơi, để chỉ tập trung vào nhóm đầu và cuối.
Dụ ngôn này trở nên hết sức khác thường
với việc ông chủ ra lệnh trả công cho người làm cuối trước.
Những người thợ giờ thứ mười một (5 giờ chiều)
cả ngày làm có một tiếng, được trả một quan tiền.
Điều này hẳn tạo ra niềm hy vọng cho những ai đã làm từ sáng sớm,
“đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại bị nắng nôi thiêu đốt” (c.12).
Nhưng rốt cuộc những người thợ đầu tiên cũng chỉ được một quan tiền.
Chúng ta cần phải đứng trong hoàn cảnh của họ
để xem họ sẽ sửng sốt, thất vọng, buồn bực, tức giận và cằn nhằn ra sao.
Có lẽ chúng ta cũng phản ứng tương tự khi gặp chuyện như vậy.
Phản ứng này cũng là phản ứng giận dữ của người anh cả
khi biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng.
Đối với những người thợ, đây rõ ràng là một sự bất công.
Bất công nằm ở chỗ làm nhiều, làm ít, nhận lương như nhau.
Nhưng ông chủ không cho đây là một sự bất công,
vì ông đã trả cho nhóm thợ làm sớm nhất đúng như đã thỏa thuận.
Những câu cuối của dụ ngôn là những câu đẹp nhất,
những câu nói lên bản chất sâu xa của tấm lòng Thiên Chúa.
“Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh” (c. 14).
Tôi muốn cho họ nhiều như tôi đã cho anh, tôi muốn họ bằng anh:
đó là ước muốn, là chọn lựa của Thiên Chúa.
Tình thương của Người phá vỡ sự phân biệt người đầu, người cuối,
người làm nhiều, làm ít, công nhiều, công ít.
“Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn
với tài sản của tôi sao?” (c. 15).
Thiên Chúa giàu sang nên có quyền rộng rãi thi ân cho kẻ Người muốn.
Chẳng ai có thể bắt Người phải đối xử công bình theo kiểu con người.
Chẳng ai có quyền hạch hỏi Người vì Người quá sức độ lượng (c.12).
“Hay mắt của anh xấu xa vì tôi tốt lành” (c. 15).
Con mắt xấu xa là con mắt khó chịu vì kẻ khác bằng mình, dù không đáng,
ghen tỵ với may mắn và hạnh phúc bất ngờ của người khác.
Đức Giêsu khẳng định mình là người tốt lành,
đặc biệt trong cách cư xử của Người đối với những tội nhân.
Anh trộm lành trên thập giá cũng là người thợ giờ thứ mười một.
Anh được hưởng những gì mà người khác phải nỗ lực cả đời.
Nói cho cùng, vấn đề không phải là đáng hay không đáng.
Chẳng ai xứng đáng để vào thiên đàng, kể cả các thánh.
Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban
hơn là một sự trả công hay phần thưởng.
Thiên Chúa vượt lên trên sự sòng phẳng có tính mua bán của con người.
Người không phải là nhà buôn, nhưng là người cha tốt lành.
Cha thương cả hai con, cả đứa ở nhà phục vụ lẫn đứa bỏ đi bụi đời.
Thậm chí đứa hư hỏng hay tật nguyền lại được quan tâm hơn.
Ông chủ vườn nho thương cả những người
đứng ngoài chợ suốt ngày mà không được ai mướn.
Có thể vì họ kém khả năng, kém may mắn hơn những người khác chăng?
Người thợ giờ thứ mười một đã làm được gì cho vườn nho của ông chủ?
Chắc chẳng được bao nhiêu.
Nhưng anh ấy đã đứng chờ suốt ngày.
Thế giới này lúc nào cũng có những người thợ giờ thứ mười một,
“những người không được ai mướn” (c.7),
những người cứ đứng chờ vậy thôi, suốt ngày, suốt đời,
những người được nhận trễ, chẳng biết mình sẽ được trả lương ra sao.
chỉ biết phó thác cho lòng tốt của ông chủ.
Những người này khác với những người làm từ sáng,
biết chắc mình sẽ được trả công một quan tiền.
Dụ ngôn không nói đến việc người làm cuối reo lên vì được trả công hậu hĩ.
Nhưng chắc là đã có những tiếng reo.
Thiên đàng đầy ắp những tiếng reo như thế,
kinh ngạc, ngỡ ngàng, thán phục, tri ân…
Chẳng có ai vào thiên đàng mà lại không reo lên
vì thấy những gì gọi là công đức của mình chỉ là chuyện nhỏ,
quá nhỏ để có thể mua được một vé vào thiên đàng.
Người ta cũng sẽ reo lên vì thấy sự có mặt của những người
mà ta tưởng chẳng bao giờ có thể lên thiên đàng được.
Thiên Chúa không chỉ thấy thời gian làm việc trong vườn nho.
Người còn thấy cả thời gian chờ.
Nhiều khi chờ còn mệt hơn làm việc.
Đừng cằn nhằn! hãy vui với niềm vui của Thiên Chúa,
Đấng hạnh phúc khi thấy người ta ngỡ ngàng vì những ơn bất ngờ,
vì lòng tốt của Ngài không sao hiểu được.
Hãy vui với những người được Chúa yêu, bất chấp quá khứ của họ.
Chúng ta không có quyền buồn như người con cả, khi cha đang vui.
Hãy đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa.
Như thế chúng ta cũng sẽ thay đổi cách cư xử với anh em.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

🌸 Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận