♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Thứ tư tuần XXIV TN (16/9)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả

1 Cr 13, 7

Thánh Co-nê-li-ô, giáo hoàng, tử đạo và thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo

Lời nguyện nhập lễ

???? Bài đọc 1 (1 Cr 12,31 – 13,13)

Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

12 31 Thưa anh em, trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.

13 1 Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. 2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. 3 Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. 4 Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, 5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, 6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. 7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. 8 Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư ? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng ? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư ? Rồi cũng chẳng còn. 9 Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. 10 Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. 11 Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con ; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. 12 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. 13 Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

???? Đáp ca Tv 32,2-3.4-5.12 và 22 (Đ. c.12b)

Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.

2Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm,
kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt.
3Nào dâng Chúa một khúc tân ca,
rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng.

Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.

4Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
5Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.

12Hạnh phúc thay quốc gia
được Chúa làm Chúa Tể,
hạnh phúc thay dân nào
Người chọn làm gia nghiệp.
22Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.

Tung hô Tin Mừng 

???? Tin Mừng (Lc 7,31-35)

Chúng tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa ; chúng tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông về ông Gio-an rằng : “Tôi phải ví người thế hệ này với ai ? Họ giống ai ? 32 Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói :

‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa ;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không khóc than.’

33 “Thật vậy, ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo : ‘Ông ta bị quỷ ám.’ 34 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo : ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ 35 Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.”

Lời nguyện tiến lễ

Kinh tiền tụng

Lời nguyện hiệp lễ

Inoruhana: Bông Hoa Cầu Nguyện

???? Gợi ý suy niệm

Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 31-32).
Các nhóm chơi với nhau, í ới gọi nhau.
Một nhóm bày ra trò chơi đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã không tham gia.
Sau đó nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia vẫn chẳng khóc than thương tiếc.
Hẳn là chẳng vui gì khi có sự thụ động, lạnh nhạt như vậy.
Dụ ngôn trên đây nói đến một số người khó chiều, bướng bỉnh.
Dù thế nào thì họ cũng đứng ngoài, không chịu nhập vào cuộc chơi.
Họ chẳng thích cả trò đám ma lẫn đám cưới.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói đến những người ở thời của Ngài.
Họ có nét tương tự như lũ trẻ ngồi ngoài chợ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,
đời sống khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.
Gioan ăn chay nên không ăn bánh, không uống rượu (c. 33).
Lối sống của ông phù hợp với lời ông giảng về việc Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám,
nên ít người tin vào lời giảng của một người như thế.
Khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải phóng.
Những bữa ăn trong đời Ngài đóng một vai trò quan trọng.
Ngài ngồi ăn với những người bị xã hội loại trừ như người thu thuế.
Ngài đón nhận vào bàn ăn cả những tội nhân cần tránh xa.
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn
mà họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Tiếc thay, Ngài cũng bị từ khước như Gioan,
bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 34).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Cả hai người, với hai lối sống nghịch nhau, cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh.
Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý,
con người chẳng được tự do.
Nguy cơ của con người mọi thời vẫn là ở lại trong tình trạng trẻ con ấu trĩ.
Làm sao để con người hôm nay có thể nghe được tiếng kêu của Gioan,
mời gọi người ta thay đổi cuộc sống bằng cách chia sẻ (Lc 3, 10-14)?
Làm sao thái độ bao dung của Đức Giêsu
ảnh hưởng trên một thế giới còn nhiều hận thù, chia rẽ, loại trừ nhau?

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

???? Cầu nguyện

Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

(Lm Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ)

???? Mến Yêu Hằng Ngày

 Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã thốt lên rằng: “Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai?” (Lc 7,31) khi Ngài thấy mình đang sống giữa những con người có thái độ cố chấp, lãnh đạm và tìm mọi lý lẽ để khước từ Ngài. Ngài chẳng ngại khi dùng hình ảnh những đứa trẻ ngồi ngoài chợ để ám chỉ thế hệ dân chúng thời đó. Hình ảnh lũ trẻ ngoài chợ này trái ngược hoàn toàn với hình ảnh những trẻ nhỏ thuộc về Nước Trời (Mt 18,1-5). Những trẻ nhỏ thuộc về Nước Trời có tâm hồn đơn sơ rộng mở, biết đón nhận Lời Chúa, để cho Lời Chúa thu hút và biến đổi mình. Còn những đứa trẻ ngoài chợ kia chỉ thích ngồi kháo nhau và chỉ trích nhau, bởi con tim và tâm trí của chúng thật cứng cỏi, chai lỳ. Đó là hình ảnh của thế hệ thời Chúa Giê-su. Họ không bao giờ thấy được những điều tốt lành nơi người khác, dù là nơi thánh Gio-an Tẩy Giả hay nơi chính Chúa Giê-su. Họ chỉ lấy cái tôi ích kỷ, hẹp hòi của mình để đo lường mọi sự và đóng lòng trước mọi lời mời gọi đổi mới.

 Chúa Giê-su đã mạnh mẽ lên án tội cứng đầu cứng cổ này. Tội này làm cho họ không nghe lời Thiên Chúa và không thay đổi lối sống xa lạc của mình. Truyền thống gọi tội này là tội phạm đến Chúa Thánh Thần.

 Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Thiên Chúa và đáp trả lời mời gọi của Ngài một cách quảng đại, hào hiệp xin vâng với trọn cả tấm lòng. Sứ điệp này như một lời mời gọi bạn tập trung chú ý hoàn toàn vào Thiên Chúa và lắng nghe ‘bản nhạc’ Chúa dành cho bạn. Chúa Giê-su lên án mạnh mẽ những ai không lắng nghe Lời Ngài. Chúng ta đừng để mình lọt vào danh sách này.

 Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con một tâm hồn thiện chí, và can đảm để thực thi tiếng Chúa mời gọi con, cùng dấn thân đi trên đường lối của Ngài. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Ngài. Amen.

—-//—-//—–

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-18-34/twenty-fourth-week-in-ordinary-time/

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận