♰ Nhìn mọi sự đều mới trong Đức Kitô ♰

Generic filters
Exact matches only
Filter by content type
Comments
Attachments

Ý Cầu nguyện: Cầu nguyện cho các bệnh nhân nan y (tháng 2)

Thánh Biển Đức (11/7)

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

THÁNH BIỂN ĐỨC, (St. Benedict) Viện phụ, Lễ nhớ buộc, ngày 11/7

 Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn( Tv 15, 5-6 ). Đời sống của một vị thánh là một cuộc hành trình đức tin quyết liệt để mong họa lại chính con người của Đức Kitô. Thánh Bênêđitô là người đã chọn Chúa làm sản nghiệp.

MỘT CUỘC ĐỜI. MỘT CON NGƯỜI:

 Thánh Bênêđictô chào đời tại Norcia, năm 480 trong một gia đình đạo đức, thánh thiện, giầu lòng nhân ái. Trong bầu khí đầy đạo đức, với sự giáo dục, dìu dắt đầy lòng tin của cha mẹ, thánh nhân đã sớm trưởng thành về mặt luân lý. Thánh nhân đã sớm giác ngộ nhờ gương sống thánh thiện của cha mẹ Ngài, nên dù là một thanh thiếu niên 16, 17 tuổi đời, thánh Bênêđictô đã không ham thú vui, coi thường vật chất, khoái lạc, danh vọng chóng qua ở đời. Ngài coi cuộc đời như gió thổi, như mây trôi, như ngọn đèn trước gió. Thánh nhân được gia đình gửi đi du học ở Roma dẫu rằng Ngài đang được bao bọc trong bầu khí yêu thương và êm ả, thanh bình của gia đình. Thời gian du học ở Roma, thánh nhân đã tìm ra ý nhiệm mầu, linh nghiệm của Thiên Chúa. Bênêđictô đã vào sa mạc Subiacô cách Roma 40 dặm để sống đời tịch liêu kết hiệp thân mật với Thiên Chúa. Đời sống tu trì của thánh nhân tỏa lan khắp nơi do lòng đại độ, đạo đức, thánh thiện của Ngài. Ngài đã tỏa hương thơm nhân đức đi khắp nơi, rất nhiều người đã biết tới tên của Ngài. Việc gì Chúa muốn Người đã thực hiện như ý định của Người: số là gần nơi thánh Bênêđictô sống ẩn dật, có một tu viện vị Bề Trên vừa mới qua đời, cả tu viện đều tới khẩn cầu thánh Bênêđictô lên kế vị và coi sóc họ. Nhận ra ý Chúa muốn, thánh nhân đã nhận lời Thánh nhân đã lãnh đạo tu viện một thời gian và lại trở về hang động cũ để sống với Chúa mật thiết hơn. Với lòng nhiệt thành, đạo đức, số người đến xin làm đệ tử của Ngài càng ngày càng đông, thánh nhân phải làm thêm nhiều nhà cho họ trú ngụ. Với bầu nhiệt huyết đầy lửa mến, thánh Bênêđictô đã hăng say giảng dậy, kêu mời dân hãy rời bỏ ngẫu tượng, tà thần mà trở về với Chúa. Chúa đã củng cố lời gảng của thánh nhân bằng vô số phép lạ như làm cho kẻ chết sống lại để củng cố đức tin cho nhiều người. Thánh Bênêđictô cũng được Chúa ban cho đặc ân thấu suốt tâm hồn người khác và biết trước sự việc sẽ xẩy ra. Thánh nhân luôn tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Chúa.

THÁNH BÊNÊĐICTÔ ĐƯỢC CHÚA THƯỞNG CÔNG:

 Thánh nhân sống khó nghèo tuyệt đối. Đời sống của Ngài là một cuộc đời bắt chước Chúa Kitô khó nghèo. Với tuổi già sức yếu: hãm mình và hy sinh chay tịnh, thánh Bênêđictô đã muốn sao cho chóng được về kết hợp vĩnh viễn với Chúa. Sự mong ước của thánh nhân đã được Chúa chấp nhận. Sau cái chết của Ngài, Chúa đã làm nhiều phép lạ nơi thân xác của Ngài. Danh thơm tiếng tốt của Ngài lan truyền rộng khắp nơi. Dòng và các tu viện do Ngài điều khiển phát triển khắp nơi và tồn tại mãi mãi. Thánh Bênêđictô đã được Chúa thưởng công và Giáo Hội tôn vinh Ngài. Đời đời hậu thế đã ca tụng thánh nhân là người công chính, là môn đệ xứng đáng của Đức Kitô.

 Lạy Chúa, Chúa đã đặt thánh viện phụ Bênêđictô làm tôn sư lỗi lạc để dậy những ai muốn hiến thân phục vụ Chúa. Xin cho chúng con hằng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, để tâm hồn được thảnh thơi, rảo bước trên con đường theo Chúa (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Biển-đức, viện phụ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Bài viết chi tiết hơn:

Thánh Biển Đức Viện Phụ

 Vào ngày 11 tháng 07, Giáo hội Công giáo kính nhớ Thánh Biển Đức – Tổ Phụ giới Đan Sinh Phương Tây và là Bổn Mạng của Châu Âu.

1.Tiểu sử:

 Thánh Nhân sinh vào khoảng năm 480 trong một gia đình quý tộc tại Nursia, tức Norcia thuộc vùng Umbria, Italia ngày nay. Ngay khi còn là một cậu bé, Ngài đã được gửi tới Rô-ma để học. Và trong thời gian Ngài theo học, người vú nuôi của Ngài luôn đồng hành với Ngài. Theo tương truyền được Thánh Grê-gô-ri-ô Cả Giáo Hoàng ghi lại, thì vào một ngày kia, người vú nuôi của Biển Đức đã làm vỡ một cái rây sàng bột. Bà ta vô cùng sợ hãi, và đã mang sự việc đến trình cho Biển Đức. Thánh Nhân đã cầm lấy chiếc rây đó và cầu nguyện. Chỉ một ít phút sau, chiếc rây đã lành lặn trở lại, và người vú nuôi lại có thể tiếp tục sử dụng nó để sàng bột.

 Bị gây kinh hoàng bởi lối sống xô bồ tại thành phố Rô-ma, Biển Đức đã quyết định gia nhập một cộng đoàn sống đời khổ hạnh tại Effide, tức Affile ngày nay, thuộc vùng núi Sabiner, nằm cách Rô-ma không xa. Sau đó Ngài rời bỏ cộng đoàn này và chuyển đến sống tại một địa điểm hoang vu thuộc vùng núi Aniotal, gần Subiaco. Tại đây, Ngài sống suốt 3 năm một cách hoàn toàn đơn độc trong một chiếc hang. Vì thế, sau này người ta đã gọi chiếc hang đó là hang Thánh Biển Đức. Ngày nào cũng vậy, một Đan Sĩ tên là Romanus, người của Đan Viện Vicovaro, nằm cách đó không xa, đều mang đến cho Biển Đức một chiếc bánh mỳ. Trước cửa hang của Biển Đức có một chiếc dây thừng nối vào trong. Cuối đoạn dây thừng này có một chiếc chuông nhỏ. Vì thế, mỗi khi mang bánh mỳ tới, Thầy Romanus thường giật chuông và Biển Đức ra ngoài cửa hang để nhận bánh.

 Trong thời gian sống tại chiếc hang nêu trên, Biển Đức đã phải trải qua nhiều cơn cám dỗ, cũng như đã phải chịu đựng nhiều cuộc hành hạ của thần dữ. Ma quỷ thường hiện ra với Ngài với hình một con quạ đen hay với hình một cô gái đẹp. Để chống trả trước cơn cám dỗ, có lần Ngài đã phải cởi áo và lăn mình vào trong bụi gai.

 Dù sống một mình trong cô tịch, nhưng hương thơm thánh thiện của Ngài vẫn lan tỏa khắp nơi và càng ngày càng lan rộng. Người ta coi Ngài là vị Thánh, và nhiều người đã kéo đến để chiêm ngưỡng Ngài hay để làm môn sinh của Ngài. Các Đan Sĩ của Đan Viện Vicovaro đã mời Ngài về sống trong Đan Viện của họ, và sau đó đã bầu Ngài làm Viện Phụ của họ. Tuy nhiên, lối sống và cách áp dụng Tu Luật một cách nghiêm ngặt của Ngài đã khiến các Đan Sĩ ở đây khó chịu. Họ bực mình và căm phẫn đến độ đã tìm đủ cách để đầu độc Ngài. Vào một ngày kia, họ đã mang đến cho Ngài một ly rượu nho đã được bỏ thuốc độc vào trong. Ngài cầm lấy ly rượu này và làm dấu Thánh Giá trên nó. Tức thì ly rượu bị vỡ tung, và một con rắn độc từ trong đó bò ra.

 Thấy các Đan Sĩ của Vicovaro không chấp nhận mình nữa nên Thánh Biển Đức đã rời bỏ cộng đoàn này và quay trở về Subiaco. Rất nhiều người đã đến với Ngài, và họ đã trở thành một đoàn môn sinh đông đảo của Ngài. Thấy số các môn sinh mỗi ngày một tăng, nên Thánh Biển Đức đã quyết định thành lập một Dòng mới và lấy Tu Luật của Thánh Pachomius làm rường cột cho cuộc sống của Dòng mình. Theo tương truyền, Ngài đã thành lập khoảng hơn một chục Đan Viện, và mỗi Đan Viện đều có 12 Đan Sĩ sống trong đó. Truyền thống cứ 12 Đan Sĩ sống trong một Đan Viện vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

 Theo tương truyền, Thánh Biển Đức còn bị đầu độc một lần nữa bằng bánh mì tẩm thuốc độc. Tuy nhiên, khi Thánh Nhân vừa cầm lấy chiếc bánh tẩm độc này thì ngay lập tức một con quạ xuất hiện. Nó ngoặm lấy chiếc bánh đó và mang đi.

 Theo tương truyền, một ít năm sau đó, tức vào năm 529, cùng với một số Đan Sĩ, Thánh Biển Đức đã rút khỏi Subiaco, và đã tìm thấy nơi cư trú mới trên một ngọn núi tại Casium, mà trên đó vẫn còn một đền thờ ngoại giáo. Nơi này ngày nay được gọi là Montecassino. Danh tiếng của Ngài và sự bất ổn tại các thung lũng vì các mối đe dọa kéo dài của những kẻ man rợ đã khiến cho rất nhiều người kéo tới với Ngài, và vì thế, cộng đoàn của Thánh Nhân trở nên rất đông. Thánh Biển Đức đã ra lệnh san bằng ngôi đền thờ ngoại giáo nói trên, và cho xây ngay trên đó một ngôi Thánh Đường để tôn kính Thánh Mác-ti-nô. Và sau đó, Ngài còn cho xây thêm một ngôi nguyện đường khác trên đỉnh núi Casium để tôn kính Thánh Gio-an.

 Thánh Biển Đức có một cô em ruột tên là Cholastica. Người em này cũng theo gót chân Ngài trong đời sống Đan Tu, và đã cùng anh thành lập ra nhánh Biển Đức Nữ. Một lần kia Thánh Biển Đức đã đến thăm Đan Viện của em gái mình, và khi thấy đến giờ cần phải trở về Đan Viện, nên Thánh Nhân đã đứng lên ra về. Thấy vậy, Thánh Nữ Cholastica đã năn nỉ xin Ngài ở lại thêm một chút thời gian nữa, nhưng Thánh Biển Đức vẫn nhất quyết đi ra. Vì thế Thánh Cholastica đã gục mặt xuống bàn và cầu nguyện. Bỗng chốc trời nổi sấm chớp đùng đùng và cơn giông ập đến, khiến Thánh Biển Đức không thể ra về. Thế là hai vị Thánh đã thức suốt đêm hôm đó để nói chuyện với nhau về đời sống thiêng liêng. Hôm sau, khi về đến Đan Viện của mình, Thánh Biển Đức đã nhìn thấy Thánh Cholastica dưới hình chim bồ câu bay về Thiên Đàng, và Thánh Nhân hiểu rằng, em gái mình đã lìa trần. Ngài liền sai anh em đến nhận thi hài của em mình để mang về an táng trong nhà thờ thuộc Đan Viện của Ngài tại Montecassino.

 Theo tương truyền, vào năm 542 hoặc 546, vua Totila của người Got đã đến viếng thăm Thánh Biển Đức. Trong dịp này, Thánh Nhân đã tiên báo về cái chết của nhà vua. Và trong thực tế, vào năm 552, vua Totila đã nằm xuống tại Tagina, tức Gualdo Tadino ngày nay.

 Khi nghe tin người môn sinh của mình là Đan Sĩ Placidus bị ngã xuống hồ và bị chết đuối, Thánh Biển Đức đã sai người môn sinh khác là Đan Sĩ Maurus đi cứu. Nhờ lời cầu nguyện của mình, Thánh Nhân đã làm cho Maurus có thể đi bộ trên mặt nước để đến cứu sống Thầy Plasidus.

2.Tu Luật Thánh Biển Đức:

 Khoảng năm 540, Thánh Biển Đức bắt đầu biên soạn cuốn Tu Luật của Ngài. Đây là cuốn Tu Luật được gọi là Tu Luật theo Thánh Biển Đức, rất nổi tiếng và vẫn còn hiệu lực cho tới tận ngày hôm nay. Đó là những quy luật nền tảng cho tất cả các Đan Viện thuộc Dòng Biển Đức, Xi-tô và Trappist trên toàn thế giới với châm ngôn: Ora et Labora – Cầu Nguyện và Lao Động.

 Tu Luật Thánh Biển Đức đặt đời sống cộng đoàn và việc lao động chân tay vào trung tâm điểm. Khi Tu Luật này ra đời, nó đã tái cơ cấu và làm hồi sinh cuộc sống của tất cả các Đan Viện thuộc thế giới Tây Phương. Tu Luật này không cho phép người Đan Sĩ được sở hữu bất cứ tài sản nào làm của riêng; các Đan Sĩ phải dùng bữa chung với nhau tại nơi quy định được gọi là nhà ăn; họ phải hạn chế tối đa việc nói năng, nhất là những lời nói không cần thiết. Cầu Nguyện và Lao Động – Ora et Labora, và Vâng Phục, đó là những cột trụ gánh mang đời sống cộng đoàn trong các Hội Dòng lấy Tu Luật Thánh Biển Đức làm rường cột. Thông qua sự liên kết những yêu sách về chiêm niệm và nguyện ngắm với những yếu tố có tính hoạt động và sản xuất sáng tạo, Thánh Biển Đức đã phác thảo ra một trong những hình thức linh đạo Đan Tu phù hợp nhất với tâm tính và văn hóa của người phương Tây.

 Tu Luật theo Thánh Biển Đức cũng là một câu trả lời cho một xã hội đang bị tan rã vào cuối thời cổ đại: trong sự bất ổn và trong khuynh hướng tan rã, bộ Luật này đã đưa ra một nguyên lý, mà nguyên lý ấy phản kháng lại trước tinh thần thời đại, và chính vì thế, nó đã kéo dài và bền vững: tính kiên định, một sự tạm dừng trong thời đại với rất nhiều cuộc di dân. Tu Luật Thánh Biển Đức cho phép đón nhận tất cả mọi người vào trong Đan Viện, và cho phép coi tất cả mọi người đều có giá trị ngang nhau; sự khác biệt giữa công dân Rô-ma văn minh tiến bộ và người dân German man rợ bị bãi bỏ. Thánh Biển Đức là một người thực dụng, nhưng Tu Luật của Ngài lại trở thành kiểu mẫu cho một xã hội tương lai: theo đó, không chỉ những công dân Rô-ma và Hy-lạp được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nhưng cả những người German man rợ và những người thuộc các dân tộc kém văn minh khác cũng đều được đón nhận vào Giáo hội qua các Bí Tích khai tâm. Tu Luật Thánh Biển Đức không chỉ khuyến khích nhưng còn đòi hỏi người ta phải cư xử với nhau bằng tình huynh đệ; Tu Luật cũng khuyến khích và đòi hỏi người ta nên chung sống cùng nhau. Các Đan Viện chính là kiểu mẫu cho lối sống đó.

3.Một số hoạt động của Thánh Biển Đức:

 Thánh Biển Đức đã dành một phần lớn thời gian của mình để chăm sóc cho những nhu cầu của cư dân địa phương. Ngài thường xuyên phân phát của bố thí và lương thực thực phẩm cho những người nghèo túng. Nhiều người còn kể rằng, Thánh Nhân đã thực hiện rất nhiều phép lạ chữa lành bệnh tật, thậm chí còn làm cho cả kẻ chết sống lại nữa.

4.Ngày qua đời của Thánh Biển Đức:

 Theo tương truyền, Thánh Biển Đức qua đời vào năm 547, đúng vào ngày Ngài thành lập Dòng, tức ngày 21 tháng 03, trong lúc Ngài đang đứng cầu nguyện tại bàn thờ của Đan Viện, với đôi tay giơ lên. Các Đan Sĩ đã được chứng kiến cảnh các Thiên Thần trải thảm và thắp đầy nến sáng trên đường để rước Thánh Nhân về Thiên Đàng. Tuy nhiên các nghiên cứu mới đây cho biết rằng, Thánh Nhân qua đời vào khoảng năm 560.

5.Sự phát triển của Dòng Biển Đức:

 Vào năm 589, tại Rô-ma đã có Đan Viện Biển Đức đầu tiên. Đan Viện này được xây dựng gần quảng trường Lateran. Vào năm 590, một Đan Sĩ Biển Đức đầu tiên đã được bầu làm Giáo Hoàng, đó là Thánh Grê-gô-ri-ô Cả. Ngay trong thế kỷ thứ VI, các Đan Sĩ Biển Đức đã đến truyền giáo và thành lập nhiều Đan Viện tại Anh Quốc. Sang thế kỷ thứ VII, Tu Luật của Thánh Biển Đức đã được áp dụng trong các Đan Viện tại Pháp. Dòng Biển Đức đã đạt tới thời cực thịnh với Hội Dòng Cluny. Hội Dòng này được thành lập vào ngày 11 tháng 09 năm 910 tại Pháp. Từ Dòng Biển Đức còn phát sinh ra nhiều nhánh khác, chẳng hạn như Dòng Xi-tô hay Dòng Trappist: tất cả đều lấy Luật Thánh Biển Đức làm rường cột cho cuộc sống của mình.

 Còn tại Việt nam: Ngày 10 tháng 11 năm 1936, cha Maur Massé, Đan Sĩ thuộc Đan Viện La Pierre Qui Vivre, Pháp, đã đến Việt Nam và lập Đan Viện đầu tiên tại Đà Lạt. Tuy nhiên Đan Viện này chỉ tồn tại cho đến năm 1954. Ngày mồng 10 tháng 06 năm 1940, hai Đan Sĩ của Đan Viện La Pierre Qui Vivre là cha Dom Romain Guillaume và cha Dom Corentin đã đến thành lập Đan Viện Thiên An, Huế. Sau đó, các Đan Sĩ của Đan Viện Thiên An tiếp tục thành lập thêm 3 Đan Viện khác nữa. Tất cả đều thuộc tỉnh dòng Pháp. Vào Năm 1988, các Đan Viện ở Việt Nam đã tách khỏi tỉnh dòng Pháp, và lập thành tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam, với Bề trên Giám tỉnh tiên khởi là cha Ta-đê-ô Phạm Quang Điện – Viện Phụ Đan Viện Thiên Bình. Nhân sự Dòng Biển Đức tại Việt Nam hiện nay (th 03.2016) gồm: 52 Đan Sĩ khấn trọng, 80 khấn tạm, 28 tập sinh và 41 thỉnh sinh, với 4 Đan Viện nam, gồm: 1.Đan viện Thiên An, giáo phận Huế; 2. Đan viện Thiên Hoà, giáo phận Ban Mê Thuột; 3. Đan viện Thiên Bình, giáo phận Xuân Lộc; 4. Đan viện Thiên Phước, giáo phận TP. HCM. Bên cạnh Dòng Biển Đức Nam, vào năm 1954, Đan Viện Nữ Biển Đức cũng đã được thành lập tại Việt Nam. Hiện tại, Dòng Nữ Biển Đức Tại Viện nam có hai Đan Viện: Đan Viện Thủ Đức và Đan Viện Nam Lộc. Số Nữ Đan Sĩ Biển Đức Việt Nam được thống kê vào năm 2003 là: 21 khấn trọn, 11 khấn tạm, 11 tập sinh, 9 thỉnh sinh và 9 dự tu. Trang benedictines-ste-bathilde.fr chỉ cho biết rằng: „Cộng Đoàn của chúng tôi (Nữ Biển Đức Thủ Đức) hiện nay (samedi 15 août 2015) tương đối đông, đa số là các em trẻ trong thời kỳ đào tạo“. Cũng theo benedictines-ste-bathilde.fr thì, vào „dịp Lễ Thánh Tâm (12/06/2015), cộng đoàn Nữ Biển Đức Hiển Linh – Lộc Nam được chính thức lên Đan viện đơn lập, với số chị em tình nguyện đi lập dòng là 33 người, gồm 8 khấn trọn, 15 khấn đơn, 2 tập sinh và 8 thỉnh sinh“.

 Trước đó, vào ngày 15 tháng 08 năm 1918, Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1880-1933 – Linh mục thuộc hội Thừa Sai Paris) đã thành lập Dòng Đức Bà Việt Nam tại Quảng Trị. Dòng này lấy Luật Thánh Biển Đức làm kim chỉ nam cho đời sống của mình. Vào ngày 24 tháng 05 năm 1934, Dòng Đức Bà Việt Nam đã được sáp nhập vào với Dòng Xi-tô thế giới, và được chính thức nâng lên bậc Hội Dòng vào ngày mồng 06 tháng 10 năm 1964, với tên gọi: Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam. Vào năm 2010, Hội Dòng này có khoảng trên 600 nhân sự sống trong 15 cộng đoàn đơn lập và Đan Viện tự trị lớn nhỏ, với 12 Đan Viện Nam: 1. Đan viện Phước Sơn tại Bà Rịa – Vũng Tàu; 2. Đan viện Châu Sơn Đơn Dương tại tỉnh Lâm Đồng. 3. Đan viện Châu Sơn Nho Quan tại tỉnh Ninh Bình; 4. Đan viện Phước Lý tại Huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai; 5. Đan viện Chây Thuỷ tại tỉnh Bình Thuận; 6. Đan viện Fatima tại Thuỵ Sĩ; 7. Đan viện Phước Vĩnh tại Trà Vinh; 8. Đan viện Thiên Phước tại Bãi dâu – Vũng Tàu; 9. Đan viện An Phước tại Long thành tỉnh Đồng Nai; 10. Đan Viện Xitô Thánh Giuse (Hoa Kỳ); 11. Đan Viện Xitô Châu-sơn Sarcramento (Hoa Kỳ); 12. Đan Viện Châu-sơn Nothgottes (Đức Quốc); và 3 Nữ Đan Viện: 1. Nữ Đan viện Vĩnh Phước tại Biên Hoà tỉnh Đồng nai; 2. Nữ Đan viện Phước Thiên ở Bãi Dâu Vũng Tàu; 3. Nữ Đan viện Phước Hải tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

6.Sự tôn kính Thánh Biển Đức:

 Theo những bằng chứng còn để lại, Thánh Biển Đức đã được tôn kính ngay từ đầu thế kỷ thứ VII. Người đầu tiên cử hành Lễ Kính Thánh Biển Đức là Thánh Wiilibrord Giám Mục.

 Sau khi Thánh Nhân qua đời, thi hài của Ngài đã được mai táng trong nhà thờ của Đan Viện Montecassino. Tuy nhiên, khi Đan Viện này bị phá hoại bởi người Langobarde, các Thánh Cốt được cho là của Thánh Nhân đã được chuyển tới Đan Viện Fleury, tức Đan Viện St-Benoît-sur-Loire thuộc vùng Orléans hiện nay, và vẫn được bảo quản và tôn kính tại Đan Viện này từ đó nay. Ngày di chuyển Thánh Cốt của Thánh Biển Đức được cho là ngày 11 tháng 07 năm 673 (hay 703), và vì thế, Giáo hội đã cử hành Lễ kính Ngài vào ngày này. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, bộ „Thánh Cốt“ đang được bảo quản và tôn kính tại Đan Viện St-Benoît-sur-Loire từ cuối thế kỷ thứ VII hay đầu thế kỷ thứ VIII tới nay, không phải là bộ Thánh Cốt thật của Thánh Biển Đức. Hiện tại, các Thánh Tích của Thánh Biển Đức được cho rằng, cũng đang hiện diện tại nhiều nơi, chẳng hạn như tại Einsiedeln, tại Benediktbeuren và tại Metten, Hạ Bayern. Hiện tại, Benediktbeuren đã trở thành một điểm hành hương quan trọng và là một trung tâm tôn kính vị Thánh Sáng lập Dòng.

 Một ngôi Thánh Đường kính Thánh Biển Đức đã được kiến thiết tại Norcia. Trong khu hầm mộ nằm bên dưới Ngôi Thánh Đường này vẫn còn dấu vết của một ngôi nhà đã được xây lên tại đó. Theo tương truyền, đó chính là căn nhà, nơi Thánh Biển Đức đã được sinh ra.

 Trong cuộc chiến tranh thế chiến thứ 2, quân đội Phát-xít Đức đã đến đóng quân ngay bên cạnh Đan Viện Montecassino. Vào đầu năm 1944, quân đội Đồng Minh đã tấn công quân của Phát-xít Đức tại địa điểm nêu trên. Cuộc giao tranh giữa hai bên đã kéo dài trong suốt 4 tháng và đã cướp đi sinh mạng của trên 70.000 binh lính. Vì tưởng rằng quân Phát-xít đóng quân ngay trong Đan Viện Montecassino, nên quân Đồng Minh đã cho ném bom Đan Viện này, và vì thế Đan Viện đã bị phá bình địa, chỉ còn lại một đống tro tàn. Tuy nhiên, sau đó quân Đồng Minh đã bồi thường, và Đan Viện Montecassino lại được tái thiết. Vào năm 1950, trong lúc tái thiết Đan Viện nêu trên, một ngôi mộ kép đã được phát hiện ra ngay bên dưới Bàn Thờ của ngôi Thánh Đường đã bị quân Đồng Minh phá hủy. Nhiều chuyên gia cho rằng, đó mới thật là ngôi mộ và Thánh Cốt của Thánh Biển Đức và của Thánh Cholastica, em ruột Ngài, vì truyền thống trong Dòng Biển Đức vẫn cho rằng, Thánh Biển Đức được an táng ngay bên cạnh mộ của em Ngài trong nhà thờ, phía dưới bàn thờ của Đan Viện Montecassino. Vào năm 1964, trong lúc cung hiến ngôi Đan Viện vừa được tái thiết, Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã đặt Thánh Biển Đức làm Bổn Mạng của toàn Âu Châu.

 Bên cạnh việc được đặt làm Bổn Mạng của toàn Âu Châu, Thánh Biển Đức cũng còn được coi là Tổ Phụ của giới Đan Sinh Phương Tây nữa.

 Những tài liệu có tính lịch sử đáng tin cậy về cuộc đời và và về những hoạt động của Thánh Biển Đức thì rất hiếm hoi. Một trong những tài liệu cổ xưa nhất đã cung cấp những thông tin đáng tin cậy nhất về cuộc đời và về những hoạt động của Thánh Biển Đức là bộ sách Đối Thoại hai tập do Thánh Grê-gô-ri-ô Cả Giáo Hoàng biên soạn. Cuộc đời và hoạt động của Thánh Biển Đức được trình bày trong tập II của bộ sách vừa nêu. Trong tập sách này, Thánh Grê-gô-ri-ô đã trình bày theo hình thức thuật truyện, qua đó cho thấy Thánh Biển Đức đã thực hiện con đường cuộc sống của Ngài trong việc đi theo Chúa Ki-tô và dưới sự hướng dẫn của Lời Chúa như thế nào. Nhưng ở đây, Thánh Grê-gô-ri-ô không có ý đặt bản thân Thánh Biển Đức vào trung tâm tiểm, nhưng đúng hơn, có ý nhấn mạnh tới hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc đời của Thánh Nhân. Trong thời gian gần đây, sự hiện hữu của Thánh Biển Đức thậm chí còn bị đặt thành vấn đề bởi các nhà sử học. Johannes Fried, chủ tịch hiệp hội các sử gia người Đức từ năm 2000 tới năm 2010, và là một trong những sử gia hàng đầu của Đức nghiên cứu về thời Trung Cổ, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn dành cho Tuần Báo Die Zeit rằng: Thánh Biển Đức chỉ là một nhân vật nghệ thuật, mà người ta nhớ đến Ngài như nhớ tới một nhân vật có tính lịch sử; cuốn tiểu sử do Thánh Grê-gô-ri-ô Cả Giáo Hoàng biên soạn không có gì để làm với một cuốn Hạnh Các Thánh thông thường. Trong trường hợp có các sự kiện lịch sử xảy ra, thì điều này đã diễn ra vượt quá mọi lô-gich xét về khía cạnh thời gian – Fried giải thích. Không những thế, Fried còn cho rằng, câu chuyện về Thánh Biển Đức được biên soạn theo ngôn ngữ thần thoại, và xem ra được biểu tượng hóa. Tuy nhiên, không mấy ai chấp nhận cách giải thích đó của Fried.

 Trong thế kỷ 18, một đồng xu mang hình Thánh Biển Đức, giống như một chiếc huy chương, đã được đúc và lưu hành tại thủ đô Viên của nước Áo. Người ta cho rằng, đồng xu này có khả năng bảo vệ trước bệnh dịch hạch. Trước đó, một đồng xu Thánh Biển Đức giống hệt như thế cũng được sử dụng và lưu hành tại Áo, tại Thụy Sĩ, tại Nam Đức, tại vùng Rheinland, và tại Böhmen, như là lá bùa để chống lại bệnh tật và những mối hiểm nguy: mặt trước của tấm huy chương này là hình Thánh Biển Đức, còn mặt sau của tấm huy chương thì được đúc với hình cây Thánh Giá của Thánh Biển Đức và Phép Lành của Ngài – một công thức cầu nguyện để chống lại ma quỷ.

 Đan Viện của các Đan Sĩ Celestin (Ordo Sancti Benedicti Coelestinensis) tại Norcia vẫn hoạt động cho tới năm 1810. Tuy nhiên, Đan Viện này đã bị giải tán dưới thời Napoleon. Và vào Mùa Vọng của Năm Thánh 2000, các Đan Sĩ Biển Đức lại đến trú ngụ tại thành phố chôn rau cắt rốn của Thánh Biển Đức.

 Giáo hội mừng kính Thánh Biển Đức vào hai ngày trong năm: ngày 21 tháng 03 (ngày qua đời của Ngài), và ngày 11 tháng 07 (ngày di dời Thánh Cốt của Ngài từ Đan Viện Montecassino về Đan Viện St-Benoît-sur-Loire – ngày này được coi là ngày chính).

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

Nguồn: http://www.simonhoadalat.com/

FacebookTwitterEmailLinePrintFriendly

Bài liên quan 🌸

Các bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Xin chân thành cám ơn.

Viết một bình luận